Xương cá mắc kẹt ở cổ họng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh phải tới khoa cấp cứu hoặc phòng khám ở các quốc gia châu Á. Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tạo ra một giống cá trắm cỏ mới không có xương dăm hay xương nằm giữa các cơ, ECNS hôm 20/3 đưa tin.
Cá trắm cỏ là loại cá nước ngọt phổ biến ở châu Á, được hấp hoặc nướng để có món thịt mềm và thơm ngon. Tuy nhiên, chúng có nhiều xương nhỏ dễ mắc kẹt ở đường tiêu hóa trên của người ăn. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư Gao Zexia, quản lý phòng thí nghiệm nhân giống phân tử tại Đại học Ngư nghiệp thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, khắc phục vấn đề này bằng cách phát triển giống cá mới.
Cá trắm cỏ trưởng thành thường có hơn 100 xương dăm. Trong khi đó, giống cá trắm cỏ mới không có xương dăm, chỉ có xương sống và xương sườn. Xương dăm, thực chất là các gân bị xương hóa trong cơ hoành, thường mảnh và nhọn. Nhiều loại cá nuôi phổ biến trên thế giới có xương dăm, nhất là những loại cá nước ngọt lớn như cá trắm cỏ, cá diếc bạc và cá tráp, được nuôi phổ biến ở Trung Quốc.
Chi phí nuôi thấp cộng với giá trị dinh dưỡng cao khiến cá trắm cỏ ăn thực vật trở thành loại cá được nuôi nhiều nhất Trung Quốc trong những năm qua. Năm 2022, sản lượng cá trắm cỏ hàng năm của Trung Quốc đạt 6 triệu tấn, chiếm 1/5 sản lượng cá nước ngọt của quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều xương dăm là một nhược điểm.
Li Mingcheng, sinh viên tại Đại học Công nghệ và Khoa học Thực phẩm thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, nếm thử giống cá không xương và cho biết, thịt cá mềm hơn. Giống cá mới cũng không bị giảm giá trị dinh dưỡng.
Gao nghiên cứu nuôi cá không xương dăm từ năm 2012, khi nhận bằng tiến sĩ. Sau hơn 10 năm nỗ lực, Gao cũng đồng nghiệp xác định được gene chủ chốt kiểm soát sự phát triển xương dăm ở cá và phát triển cá tráp không xương đầu tiên vào năm 2022.
Theo Gao, thường mất 2 - 3 thế hệ để phát triển giống cá 100% không xương. Thông qua quá trình sàng lọc liên tục, chỉ những cá thể không xương được sử dụng để nhân giống cho thế hệ tiếp theo. "Không có xương dăm thì không cần lo lắng khi ăn cá", Gao chia sẻ về động lực của mình.
Thu Thảo (Theo ECNS)