Trong thông báo sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm qua, các lãnh đạo nước này nhận xét tình hình kinh tế đã thay đổi và áp lực suy giảm ngày càng tăng. Vì vậy, chính phủ cần có biện pháp đối phó kịp thời.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc cho thấy sản xuất suy yếu, có thể gây hiệu ứng lan truyền, kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và chính sách giảm đòn bẩy trong nước.
Đến nay, Trung Quốc mới tung ra các biện pháp kích thích khá khiêm tốn. Trong tháng 10, cả chính phủ và PBOC đã áp dụng hàng loạt chính sách nhằm bình ổn tâm lý thị trường, tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính, giảm thuế cho hộ gia đình và hỗ trợ các công ty xuất khẩu.
Dù vậy, những biện pháp này vẫn chưa có nhiều tác dụng. Nhà đầu tư dường như không cảm thấy thuyết phục với cách tiếp cận nhỏ giọt này, trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ (NDT) vẫn quanh đáy 10 năm và chứng khoán gần đây liên tục lao dốc.
Sáng nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ giá NDT. Hiện tỷ giá tham chiếu ngày là 6,967 NDT đổi một USD.
“Chấp nhận tăng trưởng chậm lại từ lâu đã là thách thức với Bắc Kinh. Nhưng giờ, mức giảm đã nằm ngoài giới hạn chịu đựng rồi”, Katrina Ell - nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics nhận xét, “Vài năm gần đây, Trung Quốc phải cân bằng giữa giảm rủi ro trong hệ thống tài chính và áp lực bình ổn tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, có vẻ mục tiêu thứ hai đang được ưu tiên trở lại”.
Tăng trưởng sản xuất Trung Quốc đã xuống thấp nhất hơn 2 năm trong tháng 10. Một chỉ số theo dõi xuất khẩu đã rơi vào vùng giảm, cho thấy hoạt động đổ xô xuất khẩu trước đó để né thuế Mỹ sắp chấm dứt.
Mỹ đang chuẩn bị cho kế hoạch đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 12, nếu các cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 cuối tháng này thất bại. Việc thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25% đầu năm tới cũng sẽ là phép thử khắc nghiệt với nhiều hãng xuất khẩu, có thể thay đổi đáng kể chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các số liệu công bố hôm qua cũng cho thấy nhiều nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào giai đoạn khó khăn. Sản lượng công nghiệp tháng 9 tại Hàn Quốc và Nhật Bản thấp hơn dự báo. Số liệu này tại Đài Loan (Trung Quốc) trong quý III cũng tương tự.
Trung Quốc đã cam kết tránh tung ra “cơn lũ” kích thích. Họ có vẻ cũng đã ngừng lại kế hoạch giảm nợ kéo dài nhiều năm qua, chứ không từ bỏ. Cánh tay phải của ông Tập về kinh tế - Phó thủ tướng Lưu Hạc - từ lâu đã ủng hộ kế hoạch bằng mọi giá phải tránh tăng trưởng dựa trên tín dụng. Các lãnh đạo cấp cao cũng tiếp tục cảnh báo về rủi ro vay nợ quá đà, nhưng vẫn tìm cách bơm thêm tiền cho các công ty tư nhân thiếu vốn.
Vài giờ trước khi thông báo từ cuộc họp Bộ Chính trị phát ra, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng công bố hướng dẫn chi tiết về việc tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhấn mạnh một số dự án trọng điểm và chỉ đạo các cơ quan chính phủ thực thi.
“Đầu năm 2019 sẽ là giai đoạn khó khăn thực sự với Trung Quốc, khi hàng loạt tác động, từ căng thẳng thương mại, doanh số hàng hóa lâu bền chậm lại, cơn sốt bất động sản tại các thành phố chấm dứt đè nặng lên tăng trưởng”, Lu Ting - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Nomura International nhận xét, “Trung Quốc đang đứng trước phép thử về việc có đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% hay không. Các nhà hoạch định chính sách có thể giảm thêm thuế và nới lỏng kiểm soát mua bất động sản tại các thành phố lớn”.
Hà Thu (theo Bloomberg/CNBC)