Ngày 26/11, trong công trình xuất bản trên trang bioRxiv, các nhà khoa học xác định virus trú ngụ trong một loài dơi ở miền nam. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc và Australia đã lấy mẫu từ 149 con dơi trên khắp tỉnh Vân Nam, giáp biên giới Lào và Myanmar và xác định 5 loại virus "có khả năng gây bệnh cho người hoặc gia súc".
Trong số này, một loại được gọi là BtSY2 – có đặc điểm của cả SARS và nCoV. Virus SARS đã giết chết 774 người, lây nhiễm 8.000 người trong đợt bùng phát năm 2003. Đáng chú ý, BtSY2 có miền liên kết với thụ thể (một phần của protein gai dùng để bám vào tế bào người) rất giống với nCoV, cho thấy nó cũng có thể lây nhiễm sang người.
"Nó gần giống với virus dơi BANAL từ Lào và virus động vật gần nhất mà chúng tôi từng thấy từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa các chủng virus giống nCoV vẫn đang lưu hành ở loại dơi Trung Quốc, tiếp tục gây ra nguy cơ dịch bệnh", giáo sư Eddie Holmes, nhà sinh vật học tiến hóa, chuyên gia virus tại Đại học Sydney, nhận định.
Phát hiện mới rất quan trọng, bởi nó cho thấy khả năng các virus hiện tại có thể tái tổ hợp, tức là hoán đổi mã di truyền để hình thành mầm bệnh mới.
Giáo sư Jonathan Ball, nhà virus học tại Đại học Nottingham, cho biết: "Thông điệp chính là từng con dơi có thể chứa nhiều loại virus khác nhau, đôi khi trở thành vật chủ của nhiều mầm bệnh cùng lúc. Việc đồng nhiễm như vậy, đặc biệt là với các virus liên quan cùng họ corona, sẽ tạo cơ hội cho chúng trao đổi các phần thông tin di truyền quan trọng, làm phát sinh biến chủng mới một cách tự nhiên".
Theo Stuart Neil, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học King's College London, nghiên cứu cung cấp góc nhìn quan trọng về tiến hóa và hệ sinh thái của virus cũng như phạm vi tái tổ hợp để chuyển thành loài mới của chúng. Nó cho thấy "mối đe dọa rõ ràng và trước mắt" về sự lây lan ở người.
Phân tích trước đây ước tính có tới 400.000 người nhiễm virus do dơi mang theo mỗi năm ở khắp miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Thục Linh (Theo Telegraph)