Thông báo đưa ra ngày 27/4, phân tích trình tự gene cho thấy virus H3N8 ở bệnh nhân này là phân loại lai, các gene đã được phát hiện từ trước ở gia cầm và chim hoang dã, theo Nicola Lewis, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia Veterinary của Anh.
Cúm gia cầm là một mầm bệnh lây lan nhanh chóng, lần đầu tiên xuất hiện ở người vào những năm 1990. Một số chủng cúm gia cầm, chẳng hạn H3N8, từng truyền sang người trước đây, dù rất hiếm. Bệnh nhân thường làm việc tại nông trại hoặc từng tiếp xúc với động vật, gia cầm. H3N8 lưu hành rộng rãi ở chim và ngựa, đã phát hiện ở chó Bắc Mỹ.
"Chúng ta thường thấy một loại virus lây lan sang người, sau đó dừng lại. Vì vậy, một ca nhiễm không phải điều gì đáng lo ngại", Peter Horby, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và sức khỏe toàn cầu, Đại học Oxford, cho biết.
Giáo sư Paul Digard của Viện Roslin, Đại học Edinburgh đồng tình với điều này, cho rằng cộng đồng không cần lo ngại trước ca nhiễm cúm gia cầm. Ông cho biết giới chức Trung Quốc chưa ghi nhận trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 4 tuổi.
Các quần thể chim muông hoang dã và những trang trại gia cầm rộng lớn tại Trung Quốc tạo điều kiện lý tưởng để các loại virus cúm phát triển, tái tổ hợp và đột biến. Một số chủng lây nhiễm cho người, chủ yếu là nông dân hoặc người chăn nuôi.
Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm H10N3 đầu tiên. Theo giới chức y tế, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy virus không có khả năng lây lan sang người, nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng cũng thấp.
Dù hiếm gặp, các ca nhiễm cúm gia cầm ở người có thể giúp virus thích ứng và đột biến, tạo ra những chủng nguy hiểm hơn.
"Chúng ta cần chú ý đến tất cả các cụm dịch", Erik Karlsson, Phó trưởng khoa Virus học tại Viện Pasteur Campuchia, nhận định.
Thục Linh (Theo Guardian)