Cơ quan Quản lý Thị trường Trung Quốc (SAMR) hôm nay thông báo đang xem xét thương vụ sáp nhập giữa DouYu International Holdings và Huya - có khả năng tạo ra nền tảng stream game dẫn đầu Trung Quốc, tương tự Twitch của Amazon. Cơ quan này còn phạt Alibaba 500.000 nhân dân tệ (76.500 USD) vì chưa xin phép khi tăng cổ phần trong chuỗi trung tâm thương mại Intime Retail Group lên 73,79% năm 2017. China Literature - công ty kinh doanh e-book được tách ra từ Tencent cũng bị phạt tương tự vì một thương vụ trước đây.
Cổ phiếu Alibaba và Tencent chiều nay giảm hơn 3% sau thông tin trên.
Alibaba đầu tư 692 triệu USD vào Intime năm 2014. Đến 2017, họ dẫn đầu thương vụ mua Intime với giá 2,6 tỷ USD, nhằm phát triển mô hình kinh doanh mới, kết hợp thương mại điện tử với bán lẻ truyền thống. China Literature năm 2018 thì đồng ý mua New Classics Media với giá 15,5 tỷ nhân dân tệ để mở rộng nội dung. Giới chức Trung Quốc cho biết các công ty này đã không xin phép số thương vụ trên.
"Đầu tư và thâu tóm là các công cụ quan trọng với sự tăng trưởng và phát triển của các công ty Internet", SAMR cho biết trong thông báo, "Các công ty được đề cập trên đây có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp, đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư và mua bán, có đội ngũ pháp lý chuyên môn cao và lẽ ra nên hiểu rõ quy định về M&A. Việc họ không tích cực thông báo đã có ảnh hưởng rất nghiêm trọng".
Gần đây, Tencent, Alibaba và Ant Group tích cực đầu tư vào nhiều startup Trung Quốc, từ mạng xã hội đến thương mại điện tử. Tháng 10, Huya chấp thuận mua DouYu, thanh toán hoàn toàn bằng cổ phiếu. Tencent hiện sở hữu cổ phần tại cả hai công ty này. Họ có thể nắm 68% quyền biểu quyết của doanh nghiệp sau sáp nhập. Việc này sẽ giúp Tencent có quyền kiểm soát công ty hàng đầu trong lĩnh vực stream game tại Trung Quốc.
Tháng trước, giới chức Trung Quốc thông báo ý định siết kiểm soát các hãng công nghệ lớn nhất nước này bằng luật chống độc quyền mới. Theo đó, dự thảo quy định sẽ kiềm chế các hành vi phản cạnh tranh, như cùng nhau chia sẻ các thông tin nhạy cảm của người dùng, lập liên minh nhằm bóp nghẹt các đối thủ nhỏ hơn và trợ giá các dịch vụ để hạ giá thành, nhằm loại bỏ đối thủ.
Động thái của Bắc Kinh đang làm dấy lên lo ngại về đợt siết quản lý quy mô lớn hơn với các công ty hàng đầu nước này. Hôm nay, cổ phiếu Meituan - hãng Internet lớn thứ ba tại đây giảm 7,4% sau khi tờ People’s Daily đăng bài viết chỉ trích ngành công nghiệp này chỉ tập trung tăng trưởng các lĩnh vực như giao đồ, thay vì có các đột phá khoa học thực sự.
"Dù mức phạt hôm nay khá nhỏ, tầm quan trọng của nó không thể bỏ qua", Scott Yu - luật sư tại hãng luật Zhong Lun cho biết, "Thông báo này, cũng dự thảo quy định tháng trước, cho thấy Bắc Kinh sẽ theo sát khả năng độc quyền của các công ty Internet nước này".
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)