"Trung Quốc bất bình sâu sắc và kiên quyết phản đối các cơ quan hữu quan của Tây Ban Nha đã có hành vi sai trái, bất chấp lập trường nghiêm túc của chúng tôi", BBC dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết. "Vấn đề này được giải quyết thỏa đáng hay không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh trong quan hệ song phương".
Tuyên bố này của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi Thẩm phán Ismael Moreno thuộc Tòa án tối cao Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế với 5 cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc, trong đó có cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu thủ tướng Lý Bằng, vì cho rằng họ phạm tội với người Tây Tạng.
Trước khi lệnh bắt trên được đưa ra, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/2 từng yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha chấm dứt các hành động tố tụng với các cựu lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng.
Hồi tháng 11/2013, Tòa án Tây Ban Nha, căn cứ đơn của một người Tây Tạng có quốc tịch Tây Ban Nha, tuyên bố chấp nhận các lý lẽ để thưa kiện của người này. Động thái này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Hệ thống luật pháp Tây Ban Nha thừa nhận nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát", theo đó tòa án nước này được phép khởi tố bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả người nước ngoài, nếu như bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, Quốc hội Tây Ban Nha hôm nay sẽ bắt đầu xem xét dự luật hạn chế quyền khởi tố của tòa án nước này với các tổ chức và cá nhân nước ngoài.
"Các đề xuất cải cách sẽ bao gồm hạn chế lớn trên lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, bởi sức ép từ các cường quốc", Reuters dẫn lời Thẩm phán Joaquim Bosch, phát ngôn viên của tổ chức Thẩm phán Tây Ban Nha vì Dân chủ.
Đức Long