"Hành động của Ấn Độ không chỉ xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc, mà còn làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng Ấn Độ, đồng thời hủy hoại môi trường đầu tư của Ấn Độ với tư cách là một nền kinh tế mở", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Tuyên bố được ông Cao đưa ra một ngày sau khi Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ ra quyết định cấm thêm 118 ứng dụng Trung Quốc, như Baidu, Alipay và một số phiên bản của WeChat, khỏi thị trường trong nước với lý do lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Đây đều là những ứng dụng được các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Tencent và Ant Financial vận hành. Nhiều công ty trong số này coi Ấn Độ là thị trường phát triển quan trọng. Trò chơi nổi tiếng PUBG, với hơn 50 triệu người dùng ở Ấn Độ, cũng bị áp lệnh cấm.
"Phía Ấn Độ đã lạm dụng khái niệm 'an ninh quốc gia' và áp dụng các biện pháp hạn chế phân biệt đối xử chống lại các công ty Trung Quốc, vi phạm các quy định liên quan của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và phản đối quyết định này của Ấn Độ, kêu gọi Ấn Độ sửa chữa các hành vi sai trái của mình", ông Cao nói.
Ấn Độ được coi là thị trường "màu mỡ" đối với các công ty viễn thông và mạng xã hội Trung Quốc. Khoảng 50% trong số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ sử dụng mạng. Động thái của Ấn Độ nhằm vào các ứng dụng Trung Quốc gần đây được xem là một đòn giáng lớn đối với lĩnh vực mạng nước này.
Lệnh cấm được đưa ra giữa lúc căng thẳng biên giới Ấn - Trung trở nên nghiêm trọng hơn sau cuộc đụng độ hồi tháng 6 ở Thung lũng Galwan, khiến hàng chục binh lính hai bên thương vong. Nguồn tin cảnh sát Ấn Độ cuối tháng qua tiết lộ binh sĩ nước này và Trung Quốc đã tiếp tục ẩu đả suốt ba tiếng tại khu vực tranh chấp hôm 29/8.
Bộ Công nghệ Ấn Độ hồi tháng 6 tuyên bố chặn 59 ứng dụng di động Trung Quốc, gồm TikTok, ShareIt và WeChat của Tencent, với lý do "gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh". Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc cũng bùng phát mạnh mẽ ở Ấn Độ, khi người dân nhiều nơi xuống đường đập phá các sản phẩm công nghệ từ Bắc Kinh để thể hiện sự tức giận.
Huyền Lê (Theo Reuters, CGTN)