Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi việc tàu cá Philippines bị đâm chìm ở Biển Đông là "tai nạn giao thông hàng hải thông thường" và Bắc Kinh đang điều tra sự việc. Ông Cảnh không xác nhận tàu đâm tàu cá Philippines có phải của ngư dân Trung Quốc không.
"Nếu các báo cáo liên quan là đúng, bất kể thủ phạm thuộc quốc gia nào, hành vi của họ đều đáng bị lên án", ông Cảnh nói, thêm rằng Philippines "vô trách nhiệm" khi "chính trị hóa sự việc mà không cần xác minh".
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 12/6 cho biết một tàu nghi của Trung Quốc đã va chạm với tàu cá FB Gimvir 1 của ngư dân Philippines gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm, còn tàu Trung Quốc rời hiện trường ngay lập tức, bỏ mặc 22 thủy thủ Philippines trên chiếc tàu đắm.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên án tàu cá Trung Quốc "hành động hèn nhát" và cho biết 22 thuyền viên gặp nạn đã được tàu cá Việt Nam gần đó cứu. Ông gửi lời cảm ơn tới thuyền trưởng và các thuyền viên tàu Việt Nam, đồng thời kêu gọi điều tra và có động thái ngoại giao với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay cũng đã gửi kháng thư tới Trung Quốc liên quan đến sự việc. Bộ Tư lệnh phía Tây của quân đội Philippines mô tả vụ va chạm là tai nạn, nhưng việc tàu Trung Quốc bỏ rơi ngư dân gặp nạn đã gây ra phản ứng giận dữ ở Manila.
Phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết việc bỏ rơi thủy thủ đoàn Philippines là hành vi "man rợ", vô nhân đạo, và kêu gọi Trung Quốc trừng phạt thích đáng thủ phạm. "Bất kể bản chất của vụ va chạm là vô tình hay cố ý, nguyên tắc chung và đạo đức làm người yêu cầu phải lập tức cứu thủy thủ đoàn trên tàu gặp nạn", người phát ngôn phủ Tổng thống cho hay.
Từ khi lên nắm quyền năm 2016, Duterte thực thi chính sách thân Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, rời xa đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, Manila gần đây thể hiện lập trường kiên quyết hơn sau khi Trung Quốc có những động thái bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa trên Biển Đông.
Huyền Lê (Theo AFP)