"Cách tiếp cận này cực kỳ vô trách nhiệm, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn cộng đồng quốc tế cũng như lợi ích quan trọng của người dân các nước láng giềng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết trong một thông cáo trên trang web.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga thông báo nước này đã phê duyệt kế hoạch xả 1,25 triệu tấn nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ra đại dương. Lượng nước này đã tích tụ tại khu vực nhà máy từ sau sự cố do thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, gồm nước của hệ thống làm mát nhà máy, nước mưa và nước ngầm.
Chính phủ Nhật lập luận kế hoạch này an toàn bởi nước đã được xử lý để loại bỏ tất cả yếu tố phóng xạ và sẽ được pha loãng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ủng hộ kế hoạch, cho rằng nó tương tự quá trình xử lý nước thải của các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới.
Trung Quốc cho rằng đại dương là "tài sản chung của nhân loại" và việc xử lý nước thải hạt nhân "không chỉ là vấn đề trong nước của Nhật Bản". "Trung Quốc sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ các diễn biến và có quyền đưa ra các phản ứng tiếp theo", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước đó kêu gọi Nhật Bản "hành động có trách nhiệm" về việc xả nước vào đại dương.
"Để bảo vệ lợi ích cộng đồng quốc tế, cũng như an toàn và sức khỏe của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng với phía Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao", ông Triệu nói ngày 12/4.
Việc xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima chưa thể bắt đầu trong ít nhất hai năm tới, nhưng khiến nhiều cộng đồng ngư dân địa phương bất bình, vì họ đã mất nhiều năm để khôi phục niềm tin của khách hàng vào hải sản được đánh bắt trong khu vực này.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cũng bày tỏ "lấy làm tiếc về quyết định có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới an toàn của người dân và môi trường trong tương lai". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nhật Bản đã "minh bạch về quyết định và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu".
Huyền Lê (Theo AFP)