"Đó không phải một trò chơi trên máy tính. Đó là một tình huống thực tế, tác động lên người dân trên bán đảo", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm nay trả lời khi được hỏi về khả năng có thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Bà Hoa cho biết "thật đáng tiếc" khi một số quốc gia chỉ áp lệnh trừng phạt và bỏ qua những điều kiện của nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về đối thoại.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Triều Tiên sáng sớm 29/8 phóng một tên lửa Hwasong-12 từ gần thủ đô Bình Nhưỡng theo hướng đông, bay qua Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa bay qua các đảo chính của Nhật Bản vào năm 1998 và 2009.
Hội đồng Bảo an cùng ngày họp khẩn, ra tuyên bố lên án Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản là "thái quá", yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng các vụ phóng tên lửa. Hội đồng Bảo an tái khẳng định mong muốn có "một giải pháp hòa bình, cả về ngoại giao và chính trị" cho vấn đề Triều Tiên.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều muốn Hội đồng Bảo an tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin Washington và Tokyo đề xuất cấm vận quốc tế với xuất khẩu dầu cho Bình Nhưỡng để đáp trả. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm 29/8 tuyên bố Mỹ sẽ không để tình trạng vô pháp luật của Triều Tiên tiếp diễn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngày 30/8 nêu rõ Nga tin mọi biện pháp nhằm tăng thêm sức ép với Triều Tiên sẽ phản tác dụng, cần tìm giải pháp chính trị - ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên. Ông kêu gọi các bên tránh có hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên gây ra "những hậu quả không thể lường trước".
Như Tâm