"Về việc Trung Quốc có triển khai các cơ sở hạ tầng phòng vệ trên lãnh thổ của mình hay không, đó là vấn đề thuộc chủ quyền của Trung Quốc", RT dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói hôm qua.
Bà Hoa ngang nhiên nói đây là "quyền phòng vệ của Trung Quốc", dẫn thêm là "được pháp luật quốc tế công nhận".
Đại diện Trung Quốc trả lời khi được hỏi về báo cáo mới của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ. Tổ chức này hôm 27/3 cho biết Trung Quốc đã gần như hoàn thiện xây dựng hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Bà Hoa cho hay không biết chi tiết về báo cáo, nhưng nói quần đảo Trường Sa là "một phần không thể thiếu trong lãnh thổ Trung Quốc".
Theo AMTI, hạ tầng quân sự của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn gồm các cơ sở hải quân, không quân, radar và cơ sở phòng thủ. Các cơ sở này có thể có sự điều động trong tương lai gần. Trung Quốc còn xây các hầm trú ẩn với phần mái có thể thu gọn cho bệ phóng tên lửa ở đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, có đủ nhà chứa trên đá Chữ Thập cho 24 chiến đấu cơ và ba phi cơ lớn hơn. Giới chức Mỹ tháng trước nói Trung Quốc đã xây xong khoảng 20 kiến trúc trên đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập, nghi để bố trí tên lửa đất đối không tầm xa.
AMTI cho biết ba căn cứ không quân của Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa và một căn cứ trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, sẽ cho phép phi cơ nước này hoạt động trên gần như toàn bộ Biển Đông.
Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hà Nội khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những vũ khí Trung Quốc bị nghi đưa ra 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông
Khánh Lynh