Hôm 5/3, trước các đại biểu của tỉnh Giang Tô, ông Tập Cận Bình khẳng định lĩnh vực sản xuất phải luôn là trụ cột của kinh tế Trung Quốc. Đài truyền hình CCTV cũng trích phát biểu hôm qua của ông rằng nước này cần đảm bảo tự chủ về công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia tăng tốc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận. Nhiều hãng lắp ráp lớn, như Foxconn Technology hay GoerTek, đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng theo yêu cầu của khách hàng. Họ đang mở thêm các cơ sở bên ngoài Trung Quốc. Việc này diễn ra khi Mỹ áp nhiều lệnh trừng phạt thương mại lên Trung Quốc, thách thức kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Dù vậy, ông Tập vẫn khẳng định vai trò công xưởng toàn cầu của Trung Quốc. "Tôi vẫn luôn nói rằng có 2 lĩnh vực cần thiết với Trung Quốc. Một là lương thực và hai là sản xuất. Là quốc gia khổng lồ với 1,4 tỷ dân, chúng ta phải tự mình giải quyết hai vấn đề này. Không thể dựa vào thị trường quốc tế được", ông nói.
Ấn Độ hiện được đánh giá là địa điểm thay thế hàng đầu cho Trung Quốc để lắp ráp thiết bị điện tử khi Bắc Kinh và Washington ngày càng mâu thuẫn. Tuần trước, Bloomberg đưa tin Foxconn có kế hoạch xây nhà máy mới trị giá 700 triệu USD tại Ấn Độ. Năm nay, việc sản xuất các thế hệ iPhone mới đang chuyển rất nhanh sang nước này.
Edison Lee - nhà phân tích tại Jefferies - cho rằng để đảm bảo tự lực, Trung Quốc có thể tăng tốc nội địa hóa lĩnh vực công nghệ thông tin và bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ ngành chip. Những biện pháp này có thể được đưa ra vào nửa cuối năm nay.
Tuần trước, Mỹ đưa thêm nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc vào danh sách bị trừng phạt. Trong đó có hãng sản xuất máy chủ Inspur Group và hãng công nghệ gen BGI. Những doanh nghiệp này sẽ bị cấm tiếp cận một số công nghệ Mỹ. Inspur hiện là đối tác cho nhiều công ty lớn của Mỹ, như Intel và Cisco.
Giới chức Trung Quốc vẫn luôn khẳng định nhu cầu nội địa lớn sẽ giúp họ duy trì vị thế trung tâm chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 5/3 kêu gọi đưa ra một "chiến lược toàn quốc" để đạt đột phá trong các ngành công nghệ chủ chốt như bán dẫn và máy móc tiên tiến.
Hà Thu (theo Bloomberg)