Hãng tin Kyodo trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, Khổng Huyễn Hựu, đã đưa ra yêu cầu trong cuộc họp với thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Shinsuke Sugiyama, trong cuộc họp vào ngày 29/2.
Ông Khổng nói rằng Bắc Kinh bất mãn về việc Tokyo công khai chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, Kyodo đưa tin. Ông Khổng còn nói rằng Nhật Bản không liên quan đến tranh chấp Biển Đông nhưng lại hành động giống như một bên liên quan và bày tỏ nghi ngờ liệu Tokyo có thực sự muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Ông cũng cảnh báo rằng cách Nhật Bản tiếp cận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ là phép thử liệu quan hệ hai nước có thể được cải thiện hay không.
Các nguồn tin cho biết phía Nhật Bản đã từ chối yêu cầu, nói rằng cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông. Ông Sugiyama cho biết việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng sức mạnh quân sự là không thể chấp nhận được, và đảm bảo pháp trị tại vùng biển này là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp, cải tạo, biến 7 đá của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất trên đó. Nước này từ đầu năm còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa Biển Đông khi điều hệ thống radar, tên lửa phòng không và chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974.
Hội nghị giữa các nước G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và chủ nhà Nhật Bản sẽ diễn ra tại tỉnh Mie vào ngày 26-27/5.
Nhật và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã dần ấm lên kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc họp đầu tiên vào năm 2014.
Phương Vũ