Việc này có thể khiến kế hoạch sáp nhập giữa Marriott và Starwood gặp khó. Hồi tháng 11 năm ngoái, họ đã đạt thỏa thuận hình thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Cuối tháng này, cổ đông Marriott và Starwoods còn dự định bỏ phiếu về thương vụ trên.
Tuy nhiên, hôm qua, cả hai thông báo một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã ra giá cao hơn cho Starwood. Lời chào mua mới tới từ một nhóm nhà đầu tư do Anbang Insurance Group dẫn đầu. Công ty này hiện là chủ khách sạn Waldorf Astoria.

Thương vụ sáp nhập giữa Starwood và Marriott có thể gặp khó. Ảnh: Markets Morning
Nhóm Trung Quốc tuần trước ra giá 13 tỷ USD, nhiều hơn so với 11 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu mà Marriott đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. Marriott International cho biết họ vẫn giữ ý định sáp nhập với Starwood. Tuy nhiên, họ đã cho Starwood thêm thời gian cân nhắc đề nghị mới. Hạn chót cho câu trả lời là thứ Năm tuần này.
Về phần mình, Starwood cho biết họ vẫn muốn hợp nhất với Marriott. Nhưng HĐQT cũng sẽ cân nhắc đề nghị trên.
Starwood hiện có khoảng 1.300 cơ sở tại 100 quốc gia, với xấp xỉ 180.000 nhân viên. Trong khi đó, Marriott có khoảng 4.400 cơ sở tại 87 quốc gia.
Bên cạnh đó, Anbang cũng gần hoàn thành thương vụ 6,5 tỷ USD mua Strategic Hotels, một nguồn tin thân cận cho biết. Strategic Hotels mới được Blackstone Group mua lại 3 tháng trước với giá khoảng 6 tỷ USD.
Strategic Hotels sở hữu JW Mariott Essex House ở Manhattan, khu nghỉ dưỡng Four Seasons ở Jackson Hole và Miami Intercontinental. Công ty này có 16 khách sạn xa xỉ, với hơn 7.500 phòng.
Thời gian gần đây, nhà đầu tư Trung Quốc liên tục vung tiền thâu tóm tài sản nước ngoài. Tháng trước, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã chấp thuận mua Sàn chứng khoán Chicago. Hai công ty Internet Trung Quốc - Kunlun và Qihoo cũng chi 1,2 tỷ USD cho hãng sở hữu trình duyệt Opera.
Theo hãng nghiên cứu Dealogic, năm nay, các công ty Trung Quốc đã thông báo kế hoạch mua 144 công ty ngoại, trị giá 88 tỷ USD. Còn số này cả năm 2015 mới là 106 tỷ USD và vẫn là kỷ lục cho đến nay.
Hà Thu (theo CNN)