Theo số liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố hôm qua, cơ quan này đã nâng dự trữ vàng lên 60,62 triệu ounce trong tháng 3, từ 60,26 triệu ounce tháng trước đó. Tính theo tấn, Trung Quốc đã mua vào 11,2 tấn tháng trước. Lượng mua vào ba tháng trước đó lần lượt là 9,95 tấn, 11,8 tấn và 9,95 tấn.
Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới. Tuy vậy, nền kinh tế này đang có nhiều dấu hiệu chậm lại, bất chấp tiến triển trong đàm phán thương mại với Mỹ. Số liệu của PBOC cũng cho thấy quốc gia này đã khôi phục việc bổ sung vàng dự trữ với tốc độ vừa phải, khá giống giai đoạn giữa 2015, cuối 2016.
Đây là thời kỳ Trung Quốc gần như tháng nào cũng mua vàng. Nếu duy trì tốc độ mua hiện tại trong năm nay, Trung Quốc có thể trở thành nước mua vàng nhiều thứ nhì thế giới, sau Nga. Năm ngoái, Nga đã mua vào 274 tấn.
Trung Quốc trước đó không công bố dự trữ vàng suốt thời gian dài. Giữa năm 2015 là lần đầu tiên trong 6 năm họ thông báo số liệu này, với mức tăng 57% lên 53,3 triệu ounce. Sau đó, họ lại tiếp tục dừng từ tháng 10/2016 đến tháng 12 năm ngoái.
Trên Bloomberg, Ed Morse - Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa Toàn cầu tại Citigroup cho biết đà mua vàng của ngân hàng trung ương các nước mới nổi năm ngoái là mạnh nhất trong thời gian qua. Nguyên nhân là các quốc gia này muốn đa dạng hóa dự trữ. Citigroup khá lạc quan về giá vàng. Nhà băng này dự báo mỗi ounce có thể lên 1.400 USD cuối năm nay.
Giá vàng hồi tháng 3 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, kể cả sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu ngừng nâng lãi suất. Dù vậy, triển vọng dài hạn của vàng khá sáng sủa, nhờ nhu cầu của các ngân hàng trung ương. Lượng mua vào của các cơ quan này đang cao tương đương năm ngoái, theo Goldman Sachs Group.
Goldman dự báo giá có thể lên 1.450 USD trong 12 tháng tới. Mỗi ounce hiện có giá quanh 1.296 USD.
Năm ngoái, chính phủ các nước đã mua 651,5 tấn vàng. Đây là mức cao nhì lịch sử, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Riêng Nga đã tăng gấp 4 số vàng dự trữ trong một thập kỷ, do Tổng thống Nga - Vladimir Putin muốn giảm phụ thuộc vào đồng đôla. Số liệu từ ngân hàng trung ương nước này cho thấy dự trữ tăng tới 1 triệu ounce trong tháng 2, mạnh nhất từ tháng 11 năm ngoái.
Hà Thu (theo Bloomberg)