Với chi tiêu 18,72 tỷ USD, lượng tiêu thụ thiết bị sản xuất chất bán dẫn năm ngoái của Trung Quốc tăng 39% so với cùng kỳ 2019, theo báo cáo của SEMI, một hiệp hội đại diện cho các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng thiết kế và sản xuất thiết bị điện tử có trụ sở tại Mỹ.
Thiết bị chủ yếu được sử dụng để sản xuất, lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm tấm wafer. Thị trường lớn nhất trước đó là Đài Loan lùi xuống vị trí thứ hai theo báo cáo, với quy mô 17,15 tỷ USD về doanh số, về cơ bản không đổi so với năm 2019. Hàn Quốc và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư với doanh thu lần lượt là 16,08 tỷ USD và 7,58 tỷ USD, theo báo cáo.
Trung Quốc vươn lên khi các nhà sản xuất chip trong nước đang tăng cường năng lực sản xuất do phải đối mặt với các chính sách hạn chế nguồn cung chip sản xuất bằng công nghệ của Mỹ cho một số gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả Huawei.
Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, Bộ Tài chính Trung Quốc vào tháng 3 đã công bố chính sách mới cho phép các nhà sản xuất chip trong nước nhập khẩu máy móc và nguyên liệu miễn thuế đến năm 2030.
Nhìn chung, doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020 lên mức cao kỷ lục 71,2 tỷ USD, theo báo cáo của SEMI.
Phiên An (theo Xinhua)