![]() |
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm của ông Hồ đến Nga hồi tháng 6. Ảnh: RAN |
Đây là kết luận của viện nghiên cứu nổi tiếng thế giới của Thụy Điển mang tên SIPRI
"Mức độ phụ thuộc vào vũ khí Nga giảm, trong khi các nguồn nhập khẩu năng lượng dành cho Trung Quốc tăng đồng nghĩa với việc Trung Quốc trên cơ trong mối quan hệ này", Viện Hòa bình thế giới ra báo cáo hôm nay, trong đó có đoạn.
Điều quan trọng dẫn đến sự thay đổi này, là ngày nay Trung Quốc "ngày càng quan tâm hơn đến việc giành được hiểu biết công nghệ nhằm tự phát triển ngành vũ khí của mình", vì thế nhu cầu mua vũ khí do Nga sản xuất giảm đi đáng kể.
Matxcơva đã cho thấy dấu hiệu rằng họ không muốn bán những vũ khí tinh vi nhất cho Bắc Kinh, bởi họ e ngại rằng người Trung Quốc sẽ sao chép công nghệ và sau đó sản xuất rồi xuất khẩu sản phẩm.
"Bản chất của mối quan hệ chuyển giao công nghệ sẽ dần mang nặng tính cạnh tranh hơn là hợp tác", Paul Holtom, giám đốc chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ vũ khí của SIPRI, nhận xét.
Bên cạnh đó, vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng lên bởi nhu cầu nhập khẩu dầu của nước này từ Nga đang giảm đi trong suốt 5 năm qua. "Các nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là Ảrập Xê út, Angola, Iran và Oman", SIPRI cho biết.
"Trong lĩnh vực khí đốt, vị thế của Matxcơva đối với Bắc Kinh cũng giảm do Trung Quốc đang thu được nhiều thành công trong việc tìm kiếm các đối tác mới, đặc biệt là ở Trung Á".
Theo Reuters, bản thỏa thuận trị giá 1 nghìn tỷ USD về việc Nga xuất khí đốt cho Trung Quốc trong 30 năm, được đưa ra trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 6, có vẻ khó thành hiện thực do bất đồng đôi bên về giá.
SIPRI bình luận rằng dù Nga và Trung Quốc được cho là đối tác trong ngoại giao toàn cầu, đặc biệt là khi phản đối các chiến dịch của phương Tây, hai nước này không chia sẻ với nhau sự tin cậy ở mức sâu sắc.
Dù có chung quan điểm mỗi khi bỏ phiếu phủ quyết ở hội đồng bảo an, các nhà lập chính sách của hai nước này "coi nước kia như một mối đe dọa tiềm năng trong dài hạn", báo cáo của Viện Hòa bình Thụy Điển kết luận. SIPRI được thành lập năm 1966, là cơ quan độc lập chuyên nghiên cứu chính sách quốc tế.
Mai Trang