Biến thể thứ hai của ụ tàu nối mà Trung Quốc đang phát triển. Ảnh: Cornelius Weening |
Trung Quốc đang phát triển các ụ tàu nổi để hỗ trợ những dự án đào đắp đất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tạp chí quốc phòng IHJ Janes dẫn lời quan chức ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và thông tin thu thập được từ cuộc triển lãm Shiptec 2014, tổ chức tại Đại Liên, cho hay. Bản vẽ phối cảnh của những ụ nổi cũng được phía Trung Quốc trưng bày trong triển lãm.
Quan chức từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Đóng tàu Trung Quốc (CSSRC), một nhánh con của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), khi trả lời phỏng vấn IHS Janes tuyên bố họ đang phát triển các ụ nổi đa chức năng để đưa vào hoạt động trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bắc Kinh sẽ sản xuất các ụ tàu nổi này trên đất liền rồi chuyển tới các quần đảo để lắp ráp. Mẫu cơ bản gồm một nền thi công lớn hình chữ nhật và một cây cầu dùng để kết nối phần nền với đảo.
Các quan chức của CSSRC ngang nhiên cho biết họ sẽ hạ đặt những ụ nổi đầu tiên trên quần đảo Hoàng Sa để thử nghiệm. Sau khi hoàn tất giai đoạn này, các ụ nổi sẽ tiếp tục được triển khai ở quần đảo Trường Sa.
Hai biến thể của loại ụ tàu nổi mới này đang trong giai đoạn phát triển. Loại thứ nhất cơ bản bao gồm một sàn đa năng và một chiếc cầu. Theo CSSRC, nó có thể là nơi neo đậu cho tàu thuyền cỡ 1.000 tấn, làm trạm duy tu bảo dưỡng cho tàu cá, trở thành trạm phát điện, nơi trữ và cấp nước sạch, khử muối nước biển, nơi chứa nước mưa và làm kho thiết bị.
Biến thể thứ hai được lắp đặt theo kiểu giàn khoan nửa nổi nửa chìm có thể tự di chuyển trong một phạm vi nhất định, không quá xa. Loại này phục vụ cho việc thi công và bảo dưỡng đơn giản ở các đảo, ví dụ như: nâng cao nền cát hay di dời rạn san hô. Ngoài ra nó còn có chức năng bổ sung là nơi cư trú tạm thời cho các đội xây dựng hay xử lý nước thải. Các cây cầu nối được cho là có thể chịu được tải trọng lên đến 10 tấn.
IHJ Janes đánh giá những ụ tàu nổi này sẽ giúp Trung Quốc xây dựng tương đối nhanh các khu định cư nhỏ tại những hòn đảo xa xôi. Chúng cũng có khả năng mang theo các trang thiết bị, vật dụng cơ bản, cần thiết cho việc định cư.
Biến thể thứ hai có thể được mở rộng và nâng cấp nhằm phục vụ cho tham vọng chiếm đảo của Bắc Kinh. Nếu các ụ nổi này được triển khai với số lượng lớn, Trung Quốc sẽ hiện diện trên một vùng rất rộng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên Biển Đông, từng bước thay đổi hiện trạng để đòi chủ quyền vô lý của họ. CSSRC cũng đang nghiên cứu những mẫu mới chạy bằng sức gió..
Mẫu ụ tàu nổi cơ bản. Ảnh: Cornelius Weening |
Vũ Hoàng