Thứ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc Xin Guobin cho biết bộ này đã khởi động "nghiên cứu thích đáng", nhưng chưa quyết định khi nào lệnh cấm có thể được ban hành.
"Những biện pháp này chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc đối với sự phát triển ngành công nghiệp ôtô", vị thứ trưởng trả lời hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua.
Năm 2016, Trung Quốc sản xuất 28 triệu ôtô, chiếm gần một phần ba tổng số xe toàn cầu, theo Bloomberg.

Nhiều thành phố ở Trung Quốc bị ô nhiễm không khí ở mức báo động do lượng phương tiện quá lớn. Ảnh: AFP.
Mới đây, cả Anh và Pháp đều công bố kế hoạch cấm xe động cơ xăng và dầu từ năm 2040, thuộc một phần nỗ lực giảm ô nhiễm không khí.
Vào tháng 7, Volvo, hãng xe thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc cũng cho biết, rằng mọi mẫu xe mới của họ có thể đều có một động cơ điện kể từ 2019.
Còn Geely, hãng mẹ của Volvo, cũng nhắm mục tiêu bán một triệu ôtô điện vào năm 2025.
Những tên tuổi khác gồm Renault-Nissan, Ford và General Motors đều đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển ôtô điện tại Trung Quốc. Các hãng đang đua nhau giành lấy "miếng bánh" tại thị trường ôtô phát triển hàng đầu thế giới nhằm đối phó với những đạo luật mới ra đời để chống lại vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Roewe ERX5 - ôtô điện Trung Quốc tại triển lãm ôtô Thượng Hải 2017. Ảnh: Yicai Global.
Chính phủ Trung Quốc muốn rằng ôtô dùng pin điện và xe plug-in hybrid chiếm ít nhất 20% số xe bán ra vào năm 2025.
Kế hoạch cấm xe xăng và dầu có thể đồng nghĩa với 8% doanh số của các hãng ôtô sẽ là xe pin điện hoặc plug-in hybrid vào năm 2018, và tăng lên 12% vào 2020.
Vị thứ trưởng cũng dự kiến, sự thay đổi cũng có thể gây ra "thời điểm xáo động" trong ngành công nghiệp ôtô. Việc chuyển đổi này cũng sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền về nhu cầu nhiên liệu dầu tại Trung Quốc. Quốc gia này hiện là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Mỹ Anh