Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc, nơi đang phát triển AG-600, cho biết việc lắp ráp thủy phi cơ nội địa đầu tiên đã được bắt đầu.
Với 4 động cơ phản lực cánh quạt, đây sẽ là loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới, vượt mặt ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga, ông Huang Lingcai, thiết kế trưởng của máy bay cho biết. Tải trọng tối đa của nó khi cất cánh là 53,5 tấn và phạm vi hoạt động là khoảng 4.500 km.
Tất cả các thủy phi cơ của Trung Quốc hiện đều đã được cho "nghỉ hưu".
PTI dẫn lời ông Qu Jingwen, tổng giám đốc tập đoàn, cho biết ngay từ đầu AG-600 đã được thiết kế cho thị trường toàn cầu và tự tin về những đặc điểm vượt trội của nó. Một số quốc gia nhiều đảo như Malaysia và New Zealand đã bày tỏ sự quan tâm với AG-600.
Nhà sản xuất này cũng nhận được 17 đơn đặt hàng từ các công ty trong nước. Một trong các khách hàng sẽ dùng thủy phi cơ để đưa khách du lịch ra các rạn san hô và đảo ở Biển Đông.
Theo ông Huang, máy bay có thể bay khứ hồi không cần tiếp nhiên liệu giữa thành phố Tam Á của tỉnh Hải Nam và bãi cạn James, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc với Malaysia. Bắc Kinh tự xưng đây là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc.
AG-600 cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ hàng hải, vận tải người và hàng hóa, thực hiện nhiệm vụ thi hành pháp trên biển. Nó có thể chở 50 người trong một nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ hàng hải.
Dự án phát triển AG-600 bắt đầu từ tháng 9/2009. Chuyến bay đầu tiên của thủy phi cơ dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm sau. Trung Quốc sẽ cần ít nhất 100 thủy phi cơ trong vòng 15 năm tới.
Ấn Độ đang dự định mua các thủy phi cơ Nhật Bản để đối trọng với năng lực ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc.
Anh Ngọc