Mạng lưới dự kiến hoàn thiện vào năm 2020. Một quan chức thuộc Cơ quan Hải dương Quốc gia Trung Quốc gọi mạng lưới trên là "cơ sở" để bảo vệ lợi ích trên biển của Trung Quốc, tờ China Daily hôm nay cho biết. Mạng lưới này sẽ bao trùm lên các vùng biển ở ven bờ, ngoài khơi và địa cực. Các trạm quan sát hoạt động dưới biển và hệ thống cảnh báo sóng thần cũng được xây dựng.
Tờ báo cho biết mạng lưới sẽ giúp Trung Quốc thấy rõ tiềm năng tài nguyên tại những vùng biển của nước này nhưng không tiết lộ chi phí xây dựng.
Động thái này được cho là sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực. Nhiều quốc gia láng giềng, gồm Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quân đội và gia tăng các hành động hiếu chiến trên biển.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, khu vực được cho là giàu tài nguyên và có trữ lượng dầu khí lớn, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng.
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu tuần tra và chiến đấu cơ hai nước luôn theo dõi lẫn nhau ở gần quần đảo không người này, làm dấy lên lo ngại xảy ra va chạm, có thể leo thang thành đụng độ quy mô lớn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng trước tìm cách trấn an các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương về sự thay đổi chiến lược đối với khu vực. Ông cam kết tiếp tục những nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.
Washington tháng trước còn kêu gọi Bắc Kinh ngừng dự án cải tạo, bồi đắp đất ở quần đảo Trường Sa sau khi các báo cáo phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trên một bãi cạn với diện tích đủ lớn cho một đường băng. Trung Quốc lại ngang ngược cho rằng nước này có "chủ quyền không tranh cãi" với quần đảo Trường Sa và nói Mỹ đưa ra "những lời nhận xét vô trách nhiệm".
Như Tâm