Số lượng dự thi năm nay cao hơn 1,15 triệu so với năm ngoái. Kỳ thi dự kiến diễn ra 7-10/6, theo Bộ Giáo dục nước này. Thượng Hải, nơi gần đây mới kết thúc nhiều tháng phong tỏa, sẽ tổ chức muộn hơn một tháng.
Tại Trung Quốc, cao khảo được tham gia bởi hầu hết học sinh trung học với hy vọng vào đại học. Đây được xem là kỳ thi quan trọng nhất của đất nước, có thể tạo nên hoặc phá vỡ tương lai của một người trẻ.
Hầu hết thí sinh năm nay bắt đầu học trung học vào tháng 9/2019, vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 gây trở ngại cho việc học của các em. Học sinh đã phải thích nghi với việc học từ xa, những hạn chế của đại dịch, áp lực tâm lý và đôi khi cả tình trạng thiếu lương thực.
"Đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống trung học của em. Thời gian học kiến thức mới chỉ có hai năm, nhưng năm học 2022 đã bị gián đoạn tám tháng", Bobo, một học sinh ở Tân Cương, cho biết.
Bobo đã trải qua hai lần phong tỏa trong hai năm qua. Các lớp học chuyển sang trực tuyến. Bobo phải học những nội dung khó thông qua các ứng dụng phát trực tiếp. Nữ sinh thấy cách học này không hiệu quả, khó nắm bắt và đau mắt.
Kể từ khi trở lại trường vào đầu năm nay, với quỹ thời gian hạn chế để chuẩn bị cho cao khảo, Bobo cảm thấy rất khó để bù đắp cho sự gián đoạn. "Chúng em là nạn nhân của đại dịch", Bobo nói.
Các trường học ở Thượng Hải, nơi chính thức dỡ lệnh phong tỏa tuần trước, hiện vẫn đóng cửa. Học sinh ở đây sẽ tham gia cao khảo từ 7-9/7.
Hồi tháng trước, Yang Zhenfeng, Phó giám đốc Ủy ban Giáo dục Thượng Hải, cho biết, học sinh lớp 11 và 12 được phép trở lại trường từ 6/6. Nhưng Lin Yanran, nữ sinh 18 tuổi ở trường Trung học Shanghai Jinling, cho hay việc kỳ thi bị trì hoãn có thể không phải tin tốt cho các học sinh thành phố này.
Ban đầu Lin cũng đón chờ thêm một tháng để chuẩn bị, nhưng khi nghe tin Thượng Hải là thành phố duy nhất hoãn các kỳ thi, phản ứng của em đã thay đổi.
"Khi các thí sinh khác đều đã thi xong, chúng em vẫn phải học thêm một tháng nữa. Trước khi có thông báo, em đã bước vào 'giai đoạn nước rút quan trọng' cho cao khảo, vì vậy việc hoãn thi thực sự sẽ khiến em chùng xuống", Lin chia sẻ.
Với phần lớn người Trung Quốc, điểm cao khảo cao là con đường duy nhất thay đổi đáng kể số phận của họ. Điệp khúc thường được nghe nói về cao khảo là "một bài kiểm tra quyết định một cuộc đời".
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho rằng việc chú trọng vào điểm thi nên được xem lại. Xiong đã đề xuất hai cách để thay đổi suy nghĩ của công chúng về các kỳ thi quốc gia.
"Một là cải cách cao khảo. Chúng ta nên thiết lập một hệ thống đánh giá đa dạng, toàn diện, không chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất này ", ông nói.
Cách thứ hai mà Xiong đề cập là phá bỏ quan điểm truyền thống, rằng chỉ có học thuật và các trường danh tiếng mới quan trọng. "Chúng ta không thể đánh giá hoặc chọn một người chỉ dựa trên nền tảng học vấn của người đó", ông cho hay.
Bình Minh (Theo SCMP)