Theo phân tích của Nikkei, trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple vào năm 2020, có 51 nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, tăng từ 42 công ty vào năm 2018 và lần đầu tiên đánh bật Đài Loan khỏi vị trí dẫn đầu.
Ngay khi chiến tranh thương mại bắt đầu, các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc cũng nhanh chóng giúp Apple tăng cường sản xuất bên ngoài quốc gia này. Số lượng nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam đã tăng từ 14 vào năm 2018 lên 21 vào năm ngoái. Có thể kể đến Luxshare và Goertek - hai đơn vị lắp ráp tai nghe không dây AirPods từ đầu 2020.
Trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty Nhật Bản đã giảm còn 34, tập trung vào các nhà sản xuất màn hình và mô-đun máy ảnh. Đài Loan dù giữ vị trí đầu trong hơn một thập kỷ, cũng đang mất dần vị thế. Từ 52 nhà cung cấp Apple của vào năm 2017, Đài Loan năm ngoái chỉ còn 48 công ty.
Số lượng các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ của Apple cũng đã giảm xuống 32 vào năm ngoái. Nhưng hầu hết các công ty này cung cấp vật liệu bán dẫn có giá trị cao và khó thay thế, chẳng hạn 3M, Corning, Micron, Lumentum và Qualcomm.
Mặc dù không tiết lộ giá trị mua sắm của từng công ty, báo cáo đóng vai trò như một thước đo về sự phụ thuộc của Apple vào các nhà cung cấp từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Báo cáo được công bố hầu như hàng năm kể từ năm 2013. Tuy nhiên, Apple không đưa ra lý do cho việc không công bố vào năm ngoái.
Apple nổi tiếng với các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, do đó, sự gia tăng số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc nói lên khả năng sản xuất, công nghệ, cũng như giá cả của quốc gia này ngày càng cạnh tranh.
Một quản lý chuỗi cung ứng của Apple nói với Nikkei: "Hầu hết nhà cung cấp Trung Quốc đều có cách tiếp cận giống nhau. Họ thắng được đơn hàng bằng cách chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp mà các nhà cung cấp khác không muốn tiếp cận. Bằng cách này, họ có thể dần dần nâng cao tiếng tăm cũng như được xem xét cho các đơn hàng tiếp theo". Tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple là "tấm vé vàng" để các công ty trở thành những nhà cung cấp tốt nhất trên thế giới.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hy vọng có thể giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc bằng cách áp đặt các mức thuế trừng phạt và đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Tuy nhiên, cho đến nay, Apple mới chỉ cắt đứt quan hệ với một nhà cung cấp Trung Quốc duy nhất - O-Film Technology, chuyên sản xuất mô-đun cảm ứng và camera, sau khi chính quyền Mỹ đưa công ty này vào danh sách đen vì vi phạm nhân quyền liên quan đến nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Các nỗ lực của Washington rõ ràng không ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác của Apple với các nhà cung cấp Trung Quốc. Jeff Pu, nhà phân tích cấp cao của GF Securities, cho biết Trung Quốc có chuỗi cung ứng lắp ráp và linh kiện điện tử hàng đầu thế giới nhờ nhiều năm đầu tư không chỉ của Apple mà còn của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Huawei và Oppo.
Pu nói: "Các thành phần điện tử duy nhất mà Trung Quốc chưa thể bắt kịp là chất bán dẫn. Số nhà cung cấp của Trung Quốc trong danh sách của Apple tăng lên cũng cho thấy Trung Quốc đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 vào năm 2020".
Theo Eric Tseng, nhà phân tích chính của Isaiah Research, chi phí và chất lượng là những lý do chính khiến Apple gắn bó với Trung Quốc bất chấp áp lực chính trị.
Tseng cho biết: "Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Apple đã giảm đầu tư và hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị. Về cơ bản, Apple lựa chọn và đánh giá các nhà cung cấp dựa trên giá thành. Đó là lý do tại sao nhiều nhà cung cấp Trung Quốc, từ Luxshare đến BYD, đã có nhiều đơn hàng hơn trong vài năm qua".
Cả hai nhà phân tích đều cho rằng việc các nhà cung cấp Trung Quốc sẵn sàng chuyển sản xuất sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ, phản ánh các vấn đề về môi trường đầu tư của Trung Quốc. Họ cho rằng chi phí nhân công của Trung Quốc đang tăng và rất khó tuyển dụng đủ công nhân trong các mùa cao điểm hàng năm.
Đăng Thiên (theo Nikkei Asia)