Từ ngày 1/10, thuế nhập khẩu 100% mà Canada áp lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc, kể cả xe dùng điện-xăng, xe tải và xe bus bắt đầu có hiệu lực. Chính sách này được công bố từ cuối tháng 8. Canada cũng sẽ áp thuế 25% với một số sản phẩm từ nhôm, thép nước này từ ngày 22/10.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Canada đã vi phạm các quy tắc về nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, làm suy giảm hợp tác kinh tế và thương mại hai nước. Việc này có thể gây gián đoạn, bóp méo chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Cơ quan này thúc giục Canada xem xét lại quan hệ kinh tế và thương mại song phương, đồng thời tuân thủ quy định của WTO. "Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước", Bộ Tài chính nước này cho biết.
Hồi tháng 8, Trung Quốc cũng nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì thuế nhập khẩu mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên xe điện nước này. Bắc Kinh cho biết đã sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO "để bảo vệ quyền và lợi ích của ngành xe điện, cũng như bảo vệ sự hợp tác toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh".
Hôm 12/6, EU thông báo sẽ áp thuế chống trợ giá từ 17,4-37,6% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vì mức chung là 10% như trước đây. Khối này cho rằng xe điện Trung Quốc hưởng lợi không công bằng từ các khoản trợ cấp của chính phủ. Bắc Kinh thì khẳng định các khoản hỗ trợ của họ phù hợp với quy định của WTO.
Đến ngày 21/8, châu Âu giảm thuế nhập khẩu cho xe điện Tesla xuất xứ Trung Quốc và nhiều hãng như BYD, Geely, SAIC. Hai bên vẫn đang đàm phán về chính sách thuế này.
Trước châu Âu, Mỹ hồi tháng 5 cũng thông báo tăng thuế với xe điện Trung Quốc từ mức 27,5% lên 102,5%. Giới chức Mỹ cho rằng việc này sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất ôtô và công nhân Mỹ.
Hà Thu (theo Reuters)