TS Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản, cho biết hàng hoá Việt xuất sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Nước này đang duy trì hình thức kiểm tra virus trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu tốn nhiều thời gian chờ tại cảng, một số lô hàng bị ảnh hưởng tới chất lượng hàng hoá.
"Khá nhiều lô trái cây Việt Nam bị cảnh báo xuất hiện nCoV trên bao bì hoặc phương tiện vận chuyển. Chúng tôi đã giải thích trực tiếp với Cục Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, phía bạn cho biết đây là quy định buộc phải tuân thủ khi dịch diễn biến phức tạp", ông Anh nói.
Thừa nhận việc thông quan đang bị chậm, ông Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), cho rằng ngoài nguyên nhân kiểm soát dịch bệnh, hoa quả Việt Nam nhập vào Trung Quốc đều phải bị kiểm dịch 100% tại Hải quan Trung Quốc. Điều này đang vô cùng khác biệt với hàng Trung Quốc nhập từ Thái Lan. Theo ông Vĩ, hàng Thái Lan chỉ bị kiểm tra 30%, còn 70% là được nhập thẳng.
Do đó, phía Trung Quốc mong muốn Việt Nam có thể ký được nghị định thư với Trung Quốc để quá trình thông quan nhanh hơn và chỉ phải kiểm tra hàng hoá 30% như Thái Lan.
Đồng thời, ông Vĩ mong doanh nghiệp Việt Nam hãy làm tốt khâu liên quan đến truy xuất nguồn gốc trồng và đóng gói. Như vậy, quá trình xuất khẩu hàng hoá giữa hai bên mới nhanh và thông suốt.
Liên quan đến nông sản dính virus, trước đó, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khi phía Trung Quốc lấy mẫu trên thùng xe chở thanh long Việt Nam có phát hiện dương tính với nCoV. Không riêng trái thanh long, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), đầu tháng 8, phía Trung Quốc phát hiện mẫu virus ở măng cụt của Việt Nam nên đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh chặt.
Bên cạnh khó khăn trong xuất khẩu nông sản, với thuỷ hải sản Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản cho rằng, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ kiểm tra, bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt từ phía Trung Quốc rất chậm.
Ngoài ra, số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu đang bị cảnh báo nhiều về chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản.
"Cục đang đề nghị Trung Quốc đưa 92 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã đăng ký bổ sung vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248", ông Anh cho biết.
Bên cạnh việc khắt khe trong kiểm dịch hàng hoá, Trung Quốc vừa đưa ra hàng loạt các quy định mới với nông sản Việt Nam.
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi SPS.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Nông thôn, Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc ban hành Tiêu chuẩn mới (GB 2763-2021), quy định hơn 10.000 mức giới hạn dư lượng tối đa. So với văn bản ban hành năm 2019, tiêu chuẩn mới này tăng 81 loại thuốc bảo vệ thực vật; và số loại bị giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng thêm gần 3.000 loại.
Với quy định mới về mã vùng trồng và về kiểm dịch thực vật, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Đặc biệt, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.
Đến nay, Cục đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói. Cục tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và phối hợp với các địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu để đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng.
Khác mọi năm, năm nay phía Trung Quốc đẩy mạnh phương thức đăng ký mã vùng trồng trực tuyến với Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thiện hồ sơ. Ngoài ra, về thời gian đăng ký còn rất ngắn nên nếu không có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp sẽ không hoàn thành được.
Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ giảng viên, sau đó đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng mã số vùng trồng và tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, địa phương.
Bên cạnh đó, nhà chức trách cần làm việc với quốc gia nhập khẩu để khắc phục khó khăn, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng.
Đồng quan điểm, đại diện SPS đề nghị, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối như Văn phòng SPS Việt Nam.
Hiện, mặt hàng xuất khẩu của các nước ASEAN chủ yếu sang Trung Quốc là trái cây nhiệt đới, thủy sản, dầu cọ. Với riêng thị trường Việt Nam, 4 nhóm nông sản có xu hướng tăng trong thời gian qua là: ngũ cốc, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, trái cây.
Thi Hà