Đây là lần thứ 5 trong năm nay Trung Quốc tăng mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, Từ tháng 10/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 5 lần nâng lãi suất, 8 lần nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Giới chuyên gia cho rằng, các biện pháp thắt chặt tiền tệ của PBOC chưa đem lại hiệu quả. Sau 4 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong tháng 4, giá cả hàng hóa tại Trung Quốc vẫn tăng cao hơn mức các chuyên gia kinh tế dự đoán. Các khoản cho vay của ngân hàng vẫn tăng nhanh.
Theo số liệu chính thức công bố hôm thứ Tư (11/5), chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 4 tăng 5,3% so với cùng kỳ, gần bằng mức cao nhất trong 3 năm qua (5,4%). Số liệu công bố mới đây cho thấy, quý 1/2011, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,7% cùng với mức lạm phát 5,4%, mức kỷ lục trong vòng 32 tháng.
Trên thực tế, ưu tiên hàng đầu của các quan chức chính phủ Trung Quốc thực sự không phải là chống lạm phát mà là tạo ra việc làm. Giới lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu việc làm một năm bởi vì họ lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp có thể gây ra những bất ổn chính trị. Do đó, chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách để duy trì tốc độ tạo việc làm. Việc này có thể tạo ra những lợi ích trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài lại gây tác hại cho nền kinh tế đặc biệt đến tiền tệ của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt tỷ giá hối đoái đối với đồng đôla thay vì thả nổi tỷ giá theo luật cung cầu. Điều này giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, theo đó, tạo việc làm trong khu vực sản xuất. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tham dự vào thị trường và thay thế đồng đôla bằng đồng nhân dân tệ không những không giúp giải quyết mà còn tạo thêm lạm phát.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang khuyến khích nâng lương với mức tăng hai con số (có nơi lên tới 40% một năm), để tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào ngành chế tạo nhờ nguồn nhân lực giá rẻ.
Mấy năm trở lại đây, chính phủ còn cho phép nhiều lần nâng giá năng lượng vốn bị kiểm soát nghiêm ngặt, kéo giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo.
Các nhà phân tích cho rằng, một lý do nữa khiến mọi nỗ lực kìm chế giá tăng của chính phủ Trung Quốc chưa có đem lại hiệu quả đó là các cơ quan chính phủ phụ trách hoạch định chính sách kinh tế chưa có sự đồng thuận về nguyên nhân thật sự của lạm phát.
Chẳng hạn như, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và cơ quan giám sát ngân hàng chỉ ra rằng, lạm phát là hậu quả trực tiếp của dư thừa thanh khoản do các gói kích cầu được tung ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Còn theo một số nhà kinh tế, gói kích cầu do tín dụng thúc đẩy này là chính sách và biện pháp nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Các cơ quan chính phủ khác (như Ủy ban Cải cách Phát triển Trung Quốc) lại biện hộ rằng, lạm phát là hậu quả của sự tắc nghẽn vận chuyển và cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư và thao túng giá. Cho đến gần đây, nhiều quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi lạm phát trong nước lên đầu chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước khác, cho rằng, lạm phát chủ yếu là kiểu nhập khẩu.
Tuyến Nguyễn tổng hợp