"Một số người từ phía Nhật Bản đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng và cố tình khiêu khích đối đầu giữa các nước trong khu vực", Xinhua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua nói.
Ông còn nói thêm rằng Nhật Bản có một "lý lịch đáng xấu hổ" ở Biển Đông. "Chúng tôi hy vọng các nước trong khu vực sẽ cảnh giác cao độ trước các động thái của Nhật Bản", ông Hồng nói.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho biết ông đang "chăm chú chờ đợi" phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), trụ sở tại The Hague, Hà Lan.
Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Philippines khởi kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2013. PCA năm 2015 tuyên bố họ có thẩm quyền xử vụ kiện này.
Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận vụ kiện và từ chối tham gia tiến trình. Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore tháng này, các quan chức quân sự Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố rằng nước này sẽ không tuân thủ phán quyết sắp tới của tòa.
Theo SCMP, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch tuyên truyền chưa từng có trong ba tháng qua để đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa và tranh thủ sự hỗ trợ từ các quốc gia khác. Ông Basilio Araujo, chuyên gia an ninh biển Indonesia, nhận định Trung Quốc sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập nếu không tuân thủ phán quyết.
PCA hôm nay chính thức thông báo họ sẽ ra phán quyết vào ngày 12/7. Họ sẽ gửi quyết định và thông cáo báo chí cho các bên qua email.
Xem thêm: Tình hình Biển Đông sẽ thay đổi ra sao sau khi tòa ra phán quyết
Chiêu bài quốc tịch hòng bác phán quyết Biển Đông của Trung Quốc
Phương Vũ