Con số này được Liepin, một nền tảng tuyển dụng của Trung Quốc, công bố giữa tháng 4. Các vị trí đang có nhu cầu đặc biệt cao chủ yếu liên quan đến mô hình đào tạo dữ liệu, bot đàm thoại và nội dung do AI tạo ra (AIGC).
Theo khảo sát của SCMP với một số nền tảng tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc bằng những từ khóa như "xử lý ngôn ngữ tự nhiên", "mô hình đào tạo AI", nhiều công việc với các gói lương thưởng hào phóng xuất hiện. Trong đó có một công ty thậm chí đưa ra mức lương 800.000 nhân dân tệ (2,7 tỷ đồng) mỗi tháng cho một vị trí liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
"Từ cuối năm ngoái, chúng tôi nhận nhiều yêu cầu từ đối tác đang tìm kiếm tài năng AIGC, một số sẵn sàng trả lương hậu hĩnh", Max Xiao Mafeng, đồng sáng lập và CEO công ty tuyển dụng TTC Consultant, nói. "Chúng tôi đã lập một bộ phận mới từ đầu năm chỉ để tập trung vào lĩnh vực này".
Theo giới quan sát, sự xuất hiện của ChatGPT đã bộc lộ điểm yếu về AI cũng như vấn đề thiếu hụt tài năng AI hàng đầu ở Trung Quốc. Số liệu do Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc (CALSS) đưa ra tháng 10/2022 cho thấy, trong số gần một triệu người Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực AI, chỉ 0,1% có bằng tiến sĩ trở lên.
AI chỉ được tách thành môn học trong trường đại học tại Trung Quốc từ 2018 - hai năm sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc xem đây là lĩnh vực chiến lược trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13. Hiện 440 trong số 1.270 trường đại học đã được Bộ Giáo dục nước này cho phép thành lập các khoa chuyên đào tạo AI, tương đương gần 35%.
Lứa sinh viên chuyên ngành AI đầu tiên đã tốt nghiệp năm ngoái, nhưng phần còn lại vẫn ngồi trên giảng đường. Điều này khiến nguồn cung và nhu cầu nhân sự AI trên thị trường vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Sự thiếu hụt có thể tới 300.000 người trong năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chip AI, máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
So với Mỹ, khoảng cách về nhân tài AI của Trung Quốc hiện rất xa. Theo danh sách AI 2000 của Đại học Thanh Hoa công bố tháng 1/2022, tính đến cuối 2021, Trung Quốc có 232 chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, xếp thứ hai thế giới, nhưng Mỹ có 1.146 nhà nghiên cứu, chiếm hơn 57% toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu thế giới về ấn phẩm nghiên cứu AI. Báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo do Đại học Stanford công bố vào đầu tháng 4 cho thấy, đến hết năm ngoái, Trung Quốc có nhiều ấn phẩm tạp chí, hội nghị và tài liệu lưu trữ AI nhiều hơn bất kỳ nước nào. Dù vậy, họ vẫn tụt hậu so với Mỹ về mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT và các công nghệ tương tự. Mỹ hiện áp đảo thế giới về lĩnh vực này.
Theo CALSS, Trung Quốc có thể cải thiện việc thiếu nhân tài AI trong tương lai bằng cách tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực học thuật và công nghiệp, cũng như thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp khó trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Bảo Lâm (theo SCMP)