Tuy Trung Quốc thắt chặt các quy định cấp thị thực cho lao động nước ngoài tới làm việc ở đại lục, ước tính vẫn có khoảng 200.000 người giúp việc Philippines đang làm việc chui ở đây, theo SCMP.
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello nói rằng Bắc Kinh nên hợp pháp hóa thị thực lưu trú cho những lao động này và ông hy vọng chính quyền đại lục sẽ chú ý hơn tới vấn đề.
Hồi đầu tháng, ông Bello tuyên bố sẽ hối thúc Tổng thống Duterte thảo luận vấn đề người giúp việc Philippines "không giấy tờ" làm việc tại Trung Quốc với chính quyền Bắc Kinh. Khi đó, Nhật báo Inquirer của Philippines dự đoán ông Duterte sẽ nêu vấn đề trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, diễn ra từ ngày 18 - 21/10.
Trung Quốc đang có khoảng 20 triệu người làm nghề giúp việc, thiếu hụt lớn so với nhu cầu, theo báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Hầu hết người giúp việc bản xứ ở đây đều là phụ nữ trung niên xuất thân nông thôn lên thành thị làm việc, được gọi là Ayi (a di), thiếu kỹ năng lao động hoặc ít học.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đóng cửa với thị trường lao động giúp việc nước ngoài. Tháng 7 năm ngoái, Thượng Hải bắt đầu cho phép người nước ngoài cư trú tại thành phố thuê giúp việc là người nước ngoài. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc không được phép và chỉ có 5 người giúp việc ngoại quốc được cấp thị thực lao động ở Thượng Hải năm ngoái.
Nhu cầu
Mệt mỏi vì liên tục phải thuê và sa thải người giúp việc Trung Quốc, Shirley Yang, chủ một công ty tư vấn quảng cáo ở Thượng Hải bắt đầu nghĩ tới việc thuê người giúp việc Philippines hai năm trước để chăm sóc hai con sinh đôi.
"Tôi đã thuê người giúp việc Trung Quốc trong vài năm", Yang nói. "Họ xuất thân từ nông thôn và ít học. Không chỉ vậy, họ thường làm những việc mất lịch sự như lê dép lẹt quẹt hay húp canh xùm xụp".
Sau khi tới thăm nhà một đồng nghiệp người Mỹ và thấy người giúp việc Philippines chăm sóc nhà cửa rất chuyên nghiệp, Yang rất ấn tượng. Cô liên hệ với một trung tâm tìm thuê người giúp việc mới và đuổi việc Ayi đang thuê.
"Ayi người Philippines tốt hơn người Trung Quốc nhiều", Yang nói. "Cô ấy luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, ngày nào cũng lau sàn và gấp quần áo gọn gàng. Cô ấy cũng thích chơi với lũ trẻ, thường dạy chúng tự làm việc nhà vừa sức - điều mà những Ayi Trung Quốc không thể làm".
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, tiền lương cho người giúp việc đang tăng lên nhanh chóng ở các đô thị nước này, đặc biệt là tiền lương cho Yuesao - bảo mẫu chuyên chăm sóc sản phụ ở cữ và trẻ sơ sinh. Tiền lương tháng của Yuesao ở Thượng Hải đã tăng 27% lên 10.532 tệ (1.500 USD) trong năm 2014.
Điều làm cho người giúp việc Philippines được ưa chuộng tại Hong Kong, Singapore và Canada, thậm chí là được săn đón tại các đô thị Trung Quốc, là tính chuyên nghiệp và kỹ năng nói tiếng Anh.
Ở các thành phố lớn của Trung Quốc, người giúp việc Philippines trở thành một tài sản có giá trị cao đối với các trung tâm tuyển dụng. Tại Thượng Hải, một trung tâm có thể kiếm được 40.000 tệ (6.000 USD) phí môi giới với một hợp đồng thuê người giúp việc Philippines trong ba năm. Tiền lương của họ thấp nhất từ 7.000 tới 8.000 tệ một tháng (1.050 - 1.180 USD), gấp hai lần so với lương giúp việc tối thiểu cho giúp việc bản xứ ở Hong Kong.
Không có giấy phép lao động, hầu hết người giúp việc Philippines tới Trung Quốc bằng thị thực du lịch, cho phép họ ở lại trong 14 ngày. Sau hai tuần, những người nào ở lại quá hạn sẽ bị phạt khi rời Trung Quốc.
"Hải quan sẽ phạt họ vì cư trú quá hạn, nhưng thường thì chúng tôi sẽ trả khoản tiền phạt", nhân viên của Maid Boss, một công ty chuyên cung cấp giúp việc ở Quảng Châu cho biết.
Lạm dụng và ngược đãi
Nhân viên Maid Boss cho biết cô thường khuyên yêu cầu khách hàng Trung Quốc "giữ hộ chiếu của giúp việc Philippines" để họ "không trốn được" và thường xuyên bảo người giúp việc ngoại quốc đang lao động không phép rằng "chớ nói chuyện với người lạ".
Bằng cách lợi dụng những kẽ hở trong qui định cấp thị thực, cô đã giới thiệu hơn 10 người Philippines cho các gia đình Trung Quốc ở Quảng Châu, Phúc Châu, Hàng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến trong hai năm qua. Một số nhà tuyển dụng đăng ký cho người giúp việc là nhân viên văn phòng để lấy thị thực lao động. Yang đăng ký cho Ayi người Philippines của mình là nhân viên trong công ty quảng cáo.
Người giúp việc Philippines cũng như số lượng người giúp việc ngày càng tăng đến từ Indonesia và Myanmar chiếm số đông trong nhóm người nước ngoài làm việc chui tại Trung Quốc.
Mặc dù số lượng người giàu ngày một tăng, dân số già hóa và bắt đầu thiếu lao động phổ thông, Trung Quốc vẫn không mở cửa thị trường lao động cho người nước ngoài. Tại các thành phố lớn, vào những dịp lễ tết như Tết nguyên đán, số lượng người giúp việc chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.
Xue Shuai, người sáng lập trang yunjiazheng.com, trang web chuyên cung ứng người giúp việc, cho biết nếu chính phủ mở cửa cho lao động Philippines thì cũng không gây bất kỳ tác động nào lên thị trường.
"Nó giống như muối bỏ bể", Xue nói. Trong khi đó, mặc dù chưa bao giờ công khai thừa nhận nhưng dường như Bắc Kinh đang sử dụng kiểm soát thị thực đối với lao động Philippines để gây áp lực với Manila, theo các trung tâm tuyển dụng Trung Quốc.
Triển vọng
Tim Chen, người sở hữu một trung tâm tuyển dụng ở một thành phố duyên hải phía đông nam Trung Quốc cho biết, chính quyền đã siết chặt thị thực khi Manila kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế vì tranh chấp Biển Đông. Vì vậy, nếu người giúp việc là một trong các vấn đề cần để giải quyết mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Manila, có thể Tổng thống Duterte sẽ đưa nó lên bàn đàm phán.
Miaolu, tổng thư ký Viện chiến lược Trung Quốc và toàn cầu có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định Trung Quốc có thể coi người giúp việc Philippines là "lao động có tay nghề được cấp phép" để mở cửa thị trường này.
"Dường như Bắc Kinh sẽ đồng ý với đề nghị của Philippines chấp thuận cấp phép cho lao động tới Trung Quốc làm giúp việc vì Trung Quốc đang rất cần loại lao động này", Miao nhận xét.
Xem thêm: Bảo mẫu Thượng Hải lương tháng hơn 2.000 USD
Hồng Hạnh