Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện các doanh nghiệp điều đều gặp khó khăn về thị trường, giá..., trong đó có rào cản kỹ thuật thương mại ở những quốc gia nhập khẩu.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas dự báo, 5 tháng cuối năm, ngành điều tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nỗi lo về thị trường giảm sút đang đến rất gần.
Đơn cử như thị trường Trung Quốc, mặc dù là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của hạt điều Việt Nam, song thường là hàng thấp cấp và thông qua đường tiểu ngạch, nhưng từ 2 năm trở lại đây thị trường này bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Đặc biệt, gần đây để giảm lượng xuất khẩu điều của Việt Nam, Trung Quốc đã đánh thuế tăng gấp 4 lần, đồng thời nâng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này khiến “cửa” cho hạt điều vào thị trường này càng ngày càng hẹp.
Không chỉ có khó khăn về thị trường xuất khẩu mà những khó khăn về nội tại của doanh nghiệp, thời tiết, diện tích sụt giảm... cũng ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng hạt điều xuất khẩu. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nắng mưa thất thường, tại nhiều vùng điều trọng điểm như Bình Phước, Đồng Nai phổ biến tình trạng hoa bị khô, héo đã dẫn đến tỷ lệ đậu trái chỉ đạt từ 30 - 40%. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, hiện diện tích điều của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh và điều đáng quan tâm là năng suất bình quân chỉ đạt 8,4 tạ/ha, giảm hơn 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2011.
Nhận xét về hạt điều Việt Nam, ông John Waring, Chủ tịch Hiệp hội điều Australia nhận định: Sản lượng điều xuất khẩu Việt Nam chiếm thị phần lớn trên thế giới nhưng chất lượng không đồng đều, việc ghi nhãn xuất xứ chưa trung thực làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Do vậy, thời gian gần đây, chúng tôi đã chuyển sang nhập khẩu điều Ấn Độ.
Thậm chí, ông Joseph Lang, Giám đốc điều hành Công ty Kenkko, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sán của Anh Quốc còn thẳng thắn: Gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam xuất khẩu những lô hàng với chất lượng kém, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này vô cùng tác hại cho ngành điều Việt Nam, vì các nhà nhập khẩu buộc phải bỏ thị trường Việt Nam.
Theo Vinacas, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt trên 106.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch 722 triệu USD nhưng giá trị lại giảm nên hầu hết các doanh nghiệp chỉ hòa vốn hoặc lỗ. Vì vậy, Vinacas nhận định, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 chỉ đạt 1,1 tỷ USD, so với mức dự báo ban đầu là 1,5 tỷ USD.
Để có thể đạt được mục tiêu trên Vinacas có những kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có những chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp. Cụ thể: về vốn vay, hạn mức tín dụng, đầu tư trang bị mới máy móc, thiết bị theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động... Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng các tỉnh và Vinacas triển khai Thông tư 75/2009/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh trong sản xuất nông sản, hạt điều; và Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT về quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản... để đảm bảo chất lượng điều xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, với những tiềm năng, thế mạnh hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa giá trị hạt điều của Việt Nam cao hơn nữa, thậm chí là số 1 thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cùng với việc Nhà nước có các giải pháp dài hơi hỗ trợ về lãi suất, giống, diện tích trồng... các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng hạt điều nhằm tạo được vị thế trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, cần coi trọng hơn nữa tiêu thụ trong thị trường nội địa, bởi hiện thị trường nội địa chỉ chiếm 5% sản lượng điều của Việt Nam. Đây là sự lãng phí cơ hội rất lớn cho hạt điều.
(Diễn đàn doanh nghiệp)