Trong cuộc họp hôm 4/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định "sự sai số" cản trở cuộc chiến chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 6,7 triệu người, làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi tin rằng những con số hiện tại Trung Quốc công bố chưa phản ánh đầy đủ tác động thực sự của căn bệnh, với số ca nhập viện, điều trị trong ICU và đặc biệt là tử vong", Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, nói. Theo ông, định nghĩa về ca tử vong của chính phủ Trung Quốc là "quá hẹp", đồng thời nhận định WHO vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ.
Ngày 5/1, đáp lại WHO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning khẳng định nước này "luôn chia sẻ các thông tin và dữ liệu liên quan với cộng đồng quốc tế bằng thái độ cởi mở và minh bạch".
"Hiện tại, tình hình Covid-19 ở Trung Quốc đang được kiểm soát. Hy vọng ban thư ký của WHO sẽ có các lập trường dựa trên cơ sở khoa học, khách quan và công bằng, đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết đại dịch toàn diện", bà Mao nói.
Cùng ngày, Liu Pengyu, phát ngôn viên của đại sứ quán Bắc Kinh tại Washington (Mỹ), cho biết Trung Quốc luôn chia sẻ thông tin và dữ liệu có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
"Tháng trước, chúng tôi có cuộc trao đổi với WHO. Ngày hôm kia (3/1), chúng tôi cũng có một cuộc thảo luận về kỹ thuật khác với tổ chức", ông Liu nói.
Hồi tháng 12/2022, quốc gia đông dân nhất thế giới điều chỉnh định nghĩa phân loại các ca tử vong liên quan đến Covid-19, chỉ tính những người chết vì viêm phổi hoặc suy hô hấp là do nCoV gây ra.
Trong khi WHO nhận định nước này nên ghi nhận cả các ca tử vong xuất phát từ "một căn bệnh tương thích về mặt lâm sàng" ở bệnh nhân nhiễm nCoV, hoặc người đã được xác nhận mắc Covid và tử vong không vì nguyên nhân nào khác.
Dù giới chức Trung Quốc báo cáo trung bình dưới một ca tử vong mỗi ngày kể từ khi thay đổi chính sách vào đầu tháng 12/2022, nhiều nhà tang lễ và bệnh viện Trung Quốc cho biết đã gặp phải tình trạng quá tải, theo tường thuật của hãng tin Reuters. Các chuyên gia y tế dự đoán nước này có thể ghi nhận ít nhất một triệu ca tử vong vì Covid-19 trong năm nay nếu không có các hành động khẩn cấp
Abdi Rahman Mahamud, Giám đốc bộ phận điều phối phản ứng của WHO, cảnh báo kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc có thể gây ra làn sóng lây nhiễm khác trong vài tuần nữa. Ông khuyến nghị quốc gia tập trung tiêm chủng cho người dân để ngăn ngừa lây nhiễm.
Trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự lo ngại về đợt bùng phát ở Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh cung cấp dữ liệu nhanh chóng về số ca nhập viện, tử vong thực tế và dữ liệu giải trình tự gene.
Hôm 3/1, nước này đã gửi thông tin giải trình gene của các trường hợp nhiễm nCoV lên cơ sở dữ liệu quốc tế Gisaid, cho thấy chưa có biến chủng mới xuất hiện. Dữ liệu được thu thập tại nhiều khu vực khác nhau, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Chiết Giang và Nội Mông. Gisaid là nơi các nhà khoa học trên khắp thế giới chia sẻ dữ liệu về bộ gene virus nhằm giám sát những đột biến.
Trung Quốc từ cuối năm ngoái đã bắt đầu nới lỏng các quy định phong tỏa và xét nghiệm, sau gần ba năm thực hiện nghiêm ngặt chính sách "không Covid". Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp kiểm dịch mới với khách du lịch từ nước này do lo ngại về nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết, nước này ghi nhận thêm 9.308 ca nhiễm và một người tử vong vì Covid trong ngày 4/1, nâng tổng số lên 461.900 ca nhiễm và 5.259 ca tử vong từ khi đại dịch bùng phát.
Thục Linh (Theo Reuters, AFP)