![]() |
Hướng dẫn viên Triều Tiên (bên phải) nói chuyện với nhà báo nước ngoài gần bức ảnh về vụ phóng vệ tinh vào năm 2009, trong một phòng trưng bày tại Bình Nhưỡng vào hai ngày trước vụ phóng tên lửa hồi tháng 4/2012. Ảnh: AP |
"Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên cũng như nghi ngờ về một vụ thử nghiệm hạt nhân nhấn mạnh tính khẩn cấp và tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề có liên quan trên bán đảo Triều Tiên", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo hôm nay.
"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ cùng hướng tới hòa bình và ổn định trên bán đảo, bình tĩnh và kiềm chế nhằm tránh những hành động làm leo thang căng thẳng", ông nói thêm.
Trung Quốc hôm qua ủng hộ phê duyệt một nghị quyết của Hội đồng Bảo An (HĐBA) nhằm xử lý vụ phóng tên lửa tháng trước của Triều Tiên. HĐBA quyết định mở rộng danh sách các tổ chức chịu trừng phạt của Triều Tiên nhưng không áp đặt các hình phạt mới.
Bình Nhưỡng lập tức phản ứng mạnh mẽ, thề sẽ tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa, làm dấy lên nghi ngờ về một thử hạt nhân lần ba sắp diễn ra.
Trung Quốc là đồng minh chính và là đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Đây là một trong số ít nước có thể gây ảnh hưởng đến thái độ của Bình Nhưỡng.
Phát biểu khi đón tiếp đại sứ của tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye hôm nay, Xinhua cho hay Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đối thoại và tham vấn nhằm tiến đến phi hạt nhân hóa và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo này sẽ sớm được nối lại, và khẳng định hòa bình trên bán đảo là lợi ích cơ bản của cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc cũng kêu gọi các bên đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí cả khi Triều Tiên vừa tuyên bố từ chối đối thoại về chương trình hạt nhân sau động thái của HĐBA.
Hãng thông tấn cũng mô tả động thái này là "một phản ứng rõ ràng đối với Triều Tiên trước hành vi vi phạm các nghị quyết của HĐBA, mà Triều Tiên vốn là một thành viên phải chấp hành".
Vòng đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên còn bao gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Tiến trình đàm phán bị đình trệ kể từ khi Bình Nhưỡng rút lui vào năm 2009.
Anh Ngọc