Trong thông báo đăng trên trang web hôm nay, đại sứ quán Trung Quốc ở Niger cũng khuyến cáo công dân hạn chế tới quốc gia Tây Phi này, trừ khi cần thiết. Đại sứ quán Trung Quốc trước đó khuyến cáo công dân "cảnh giác", tránh ra ngoài và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sau khi quân đội Niger đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Niger là một trong những nước nghèo nhất châu Phi, nhưng có trữ lượng uranium đứng thứ năm trên thế giới và nguồn dầu mỏ dồi dào, trong đó Trung Quốc là nhà đầu tư lớn. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã đầu tư lần lượt 4,6 tỷ USD và 480 triệu USD vào ngành công nghiệp dầu mỏ và uranium của Niger.
Trung Quốc cũng là nhà thầu lớn nhất ở quốc gia này. Tính đến năm 2021, 1.068 công nhân người Trung Quốc làm việc cho khoảng 40 công ty của nước này tại Niger.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 lật đổ ông Bazoum, người được đánh giá là đồng minh của phương Tây. Phe đảo chính sau đó thành lập chính quyền quân sự do tướng cận vệ Abdourahamane Tiani đứng đầu.
Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án vụ đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với ông Bazoum và cam kết sẽ đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 ra tối hậu thư với chính quyền quân sự Niger, yêu cầu trao trả quyền lực cho Tổng thống Bazoum trước đêm 6/8 (6h ngày 7/8 giờ Hà Nội), nếu không sẽ tiến hành can thiệp quân sự.
Tối hậu thư của ECOWAS đã hết hạn, song khối hiện chưa có động thái quân sự nào. Một chỉ huy quân sự cấp cao trong khối cho biết ECOWAS chưa sẵn sàng đưa quân vào Niger. Niger đã đóng không phận từ ngày 6/8 trước nguy cơ bị can thiệp, đồng thời cảnh báo sẽ "phản ứng lập tức và quyết liệt nếu không phận bị xâm phạm".
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước tuyên bố sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự. Quân đội Mali hôm nay cho biết nước này và Burkina Faso sẽ cử phái đoàn chung đến Niger để thể hiện "tình đoàn kết với người dân Niger anh em".
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP, SCMP)