"Sự thực là nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Dù muốn hay không, xu hướng này rất khó đảo ngược. Hai nước đều gắn bó sâu sắc với chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu", đại sứ Tôn Vệ Đông phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến với các nhà cựu ngoại giao Ấn Độ.
"Nỗ lực chia rẽ nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đi ngược với xu hướng và sẽ chỉ khiến hai bên cùng bất lợi", ông Tôn nói thêm, đồng thời kêu gọi "xử lý thích hợp" những khác biệt và bày tỏ "tự tin" vào triển vọng hợp tác với Ấn Độ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Nền kinh tế số hai thế giới chiếm gần 12% nhập khẩu của Ấn Độ, trải rộng mọi mặt hàng như hóa chất, linh kiện ôtô, điện tử tiêu dùng và dược phẩm. Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ những năm gần đây ngày càng khăng khít, như trong lĩnh vực công nghệ. Các tập đoàn Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent, đã rót hàng tỷ USD vào những start-up của Ấn Độ như Zomato, Paytm, Big Basket và Ola.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, sau vụ ẩu đả tháng trước tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở thung lũng Galwan, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sự cố làm dấy lên làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc ở Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok.Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ được cho là lo ngại vềhậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nếu tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng hiện nay.
Hai nước lâu nay vẫn xung đột tại nhiều địa điểm khác nhau dọc 3.348 km Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), nơi được coi là biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Họ đều kiểm soát phần lãnh thổ mà bên kia tuyên bố chủ quyền, thậm chí không thể thống nhất những giới hạn của LAC.
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc không kiên quyết phân định rõ ràng LAC, đại sứ Tôn cho biết động thái này sẽ gây ra "những xung đột mới". "Nếu một bên đơn phương phân định LAC theo hiểu biết của riêng mình trong các cuộc đàm phán, điều đó có thể gây ra những xung đột mới, xa rời mục đích ban đầu là làm rõ LAC", ông giải thích.
Các đại diện quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức 4 vòng thảo luận và nhất trí rút quân khỏi các điểm nóng nhằm xuống thang căng thẳng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/7 cũng cho biết hai bên đã rút quân khỏi hầu hết khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, một số bất đồng chưa được giải quyết. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hồi đầu tuần tuyên bố "quá trình rút quân chưa hoàn thành".
Ánh Ngọc (Theo SCMP)