Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) ngày 14/8 ban hành cảnh báo đỏ, mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp của Trung Quốc về nắng nóng khắc nghiệt, đối với một số khu vực ở Tân Cương và tỉnh Thiểm Tây, Giang Tô. Đây là ngày thứ 25 liên tiếp CMA phát cảnh báo về đợt sóng nhiệt được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua.
Huyện Trúc Sơn thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc là địa phương nóng nhất với mức nhiệt trên 44 độ C hôm 13/8. Tỉnh Giang Tô ngày 14/8 cảnh báo nhiệt độ mặt đường ở một số khu vực có thể trên 72 độ C.
Truyền thông Trung Quốc cho hay hơn 10 khu vực cấp tỉnh, trong đó có Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, đang hứng chịu nhiệt độ từ 40-42 độ C trong tuần này. Một số điểm du lịch phải đóng cửa do nắng nóng. Ban điều hành khu di tích Tượng phật Lạc Sơn, một trong những di tích văn hóa quan trọng nhất Trung Quốc, ngày 14/8 thông báo đóng cửa khu vực chân tượng.
Đây là đợt sóng nhiệt có nhiệt độ cao nhất ở Trung Quốc từ khi nước này bắt đầu ghi nhận dữ liệu khí tượng năm 1961, cũng là đợt sóng nhiệt kéo dài nhất, theo Sun Shao, chuyên gia Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc. Ông cho biết đợt sóng nhiệt lần này diễn ra sớm hơn so với đợt sóng nhiệt kỷ lục dài 62 ngày hồi năm 2013.
"Trung Quốc đã trải qua 62 ngày nắng nóng liên tục tính đến hôm 14/8, phạm vi ảnh hưởng của đợt sóng nhiệt lần này cũng như nhiệt độ cao nhất đều vượt qua số liệu năm 2013", Sun nói và lưu ý đợt sóng nhiệt có khả năng kéo dài thêm một tuần nữa.
Ông cho rằng thời tiết bất thường do hiện tượng hoàn lưu khí quyển, đặc biệt là sự bất thường của vùng cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương gây ảnh hưởng tới thời tiết và khí hậu dị thường ở khu vực gió mùa Đông Á.
Nắng nóng kéo dài gây ra hạn hán ở nhiều vùng, trong đó có tỉnh Hà Nam, vựa lúa của Trung Quốc, và nhiều tỉnh dọc đồng bằng sông Dương Tử, đồng thời gây sức ép lên hệ thống điện. Khoảng 20% diện tích tỉnh Hồ Bắc đang trải qua hạn hán.
Chính quyền tỉnh Hà Nam ngày 14/8 yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ tình trạng hạn hán, điều tiết nước khoa học và khai thác nguồn nước mới cho người dân ở những nơi hạn hán. Theo báo cáo năm 2021 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Hà Nam xếp thứ nhất trong danh sách địa phương có diện tích trồng lúa mì lớn nhất cả nước, cung cấp 1/4 tổng sản lượng lúa mì quốc gia.
Các chuyên gia nhận định đợt sóng nhiệt có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc chuẩn bị cho trạng thái "bình thường mới" bằng cách tăng tốc độ công nghiệp hóa, phát triển các nguồn năng lượng mới và có khả năng tái tạo, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nông nghiệp hiện đại.
Hồng Hạnh (Theo Global Times)