Theo AFP, cơ quan Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc tích hợp các chức năng có từ trước của lực lượng hải giám, ngư chính và cảnh sát biển chống buôn lậu. Cơ quan này có 11 phân đội và gồm 16.000 nhân viên.
Theo ông Yang Mian, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc đại học Truyền thông Trung Quốc, với sự hợp nhất này, những đơn vị trước đây không được phép trang bị vũ khí nay có thể được vũ trang.
“Cơ quan mới này sẽ làm cho lực lượng thi hành pháp của chúng tôi mạnh hơn”, ông Yang nói.
Zhang Junshe, một nhà nghiên cứu quân sự, cho biết trên một bài viết ở nhật báo Quân Giải phóng rằng, cơ quan Bảo vệ Bờ biển có chức năng “phát hiện và xử lý nhanh chóng, phù hợp với luật pháp, những hành động gây nguy hại đến quyền và lợi ích của Trung Quốc”. Mâu thuẫn tại các vùng biển tranh chấp sẽ được cơ quan này xử lý theo luật pháp Trung Quốc.
Gary Li, một nhà phân tích thuộc viện nghiên cứu IHS, nhận định rằng động thái này sẽ có “tác động mạnh mẽ đến những cuộc tranh chấp chủ quyền" mà Trung Quốc có lien quan ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền với chuỗi đảo không người sinh sống Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei trên Biển Đông.
Trong những năm gần đây, năng lực hàng hải của Trung Quốc không ngừng được tăng lên. Nước này đã trang bị cho các đơn vị hàng hải những con tàu lớn hơn, có khả năng tuần tra ở những vùng biển tranh chấp lâu hơn.
Anh Ngọc