Hội nghị Trung ương ba khóa 18 kéo dài 4 ngày với toàn bộ 376 thành viên Ủy ban Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh và sẽ bế mạc ngày 12/11.
Hội nghị Trung ương ba mỗi khóa của đảng Cộng sản Trung Quốc thường có truyền thống thiết lập các chính sách kinh tế cho chính phủ mới. Trong quá khứ, những kỳ họp này thường là thời điểm báo hiệu những thay đổi sâu rộng trong cách vận hành nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo sau một thập kỷ. Ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư mới của đảng và nhậm chức chủ tịch nước hồi tháng 3.
Tân Hoa Xã khẳng định hội nghị "sẽ là một bước ngoặt với việc ban hành các chính sách kinh tế mạnh mẽ".
Các cơ quan truyền thông khác cho biết cải cách ruộng đất là một trong những vấn đề quan trọng, trong khi các cố vấn cho chính phủ kêu gọi gỡ bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu, bởi nó hạn chế việc tham gia bảo hiểm y tế và các lợi ích khác cho các lao động ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể kỳ họp sẽ chỉ nói đến những phương hướng chung thay vì các chi tiết cụ thể.
"Kỳ vọng các kế hoạch cải cách kinh tế được đưa ra trong hội nghị lần này không phải là quá cao. Bởi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa nhắc đến những thay đổi có thể diễn ra, lại vừa nhấn mạnh sự ổn định", Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nói với AFP.
Trung Quốc đưa ra dấu hiệu cải cách kinh tế mạnh mẽ vào Hội nghị Trung ương ba năm 1978, khi chính thức bắt tay chuyển đổi sau 30 năm, từ nền kinh tế tập thể sang định hướng chính là tăng trưởng, thương mại và đầu tư toàn cầu.
Mặc dù nền kinh tế không còn hoàn toàn do đảng và nhà nước lãnh đạo, các cơ quan này vẫn nắm vai trò quan trọng bởi có các quan chức cấp cao phụ trách các yếu tố chủ chốt ví dụ như tỷ giá, trong khi ở các nước khác là phụ thuộc vào thị trường.
Ban lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận mô hình kinh tế dựa chủ yếu vào đầu tư tài chính nhà nước của nước này cần phải nhường chỗ cho mô hình mà người tiêu dùng và các yếu tố tư nhân khác thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, thay đổi định hướng của nền kinh tế thứ hai thế giới không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
"Các chuyên gia không kỳ vọng quá cao rằng những cải cách đưa ra vào cuối tuần này sẽ được như những cải cách được đưa ra thời ông Đặng Tiểu Bình 35 năm trước", ông Willy Lam nói.
Ngay trước thềm kỳ họp, Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, cũng khẳng định sẽ không có những cải cách theo kiểu phương Tây.
Vũ Hà