Theo tiết lộ của kỹ sư cao cấp Lian Jie từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Global Times hôm 6/4, mô hình tên lửa dài 2,1 m, có đường kính 0,5 m, nặng 93 kg khi phóng và được trang bị động cơ kép với lực đẩy 550 newton trên mỗi động cơ.
Trong chuyến bay kéo dài 10 phút, nó cất cánh từ đất liền và đạt độ cao hơn 1.000 m, sau đó hạ thấp dần và giảm tốc nhờ lực đẩy của các động cơ. Tốc độ giảm xuống dưới 2 m/s ở giai đoạn cuối cùng trước khi tên lửa hạ cánh nhẹ nhàng xuống một chiếc thuyền trên vùng biển ngoài khơi thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.
CAS Space, thuộc sở hữu một phần của CAS, nhấn mạnh thành công này sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển công nghệ tương lai trong các ứng dụng như nền tảng thí nghiệm khoa học gần không gian, thu hồi tên lửa tái sử dụng, cũng như du lịch vũ trụ.
Theo CSA, công nghệ thu hồi tên lửa trên biển sẽ được áp dụng rộng rãi cho nhiều mẫu tên lửa thế hệ mới, bao gồm cả hệ thống phóng hạng nặng Lijian-3, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động thám hiểm không gian quy mô lớn của Trung Quốc với chi phí rẻ hơn.
Nói về triển vọng của ứng dụng du lịch vũ trụ, kỹ sư cấp cao Wu Weiping từ CAS Space cho biết hành khách có thể trải nghiệm môi trường vi trọng lực ở độ cao khoảng 100 km so với bề mặt Trái Đất trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 phút. Những chuyến bay như vậy sẽ đáp ứng nguyện vọng ghé thăm không gian của công chúng và tích lũy dữ liệu quý giá cho hoạt động thám hiểm không gian và du lịch hành tinh trong tương lai.
Chuyên gia vũ trụ Pang Zhihao nói với Global Times rằng việc hạ cánh tên lửa trên biển có thể tiết kiệm đáng kể chi phí phóng nhờ sự linh hoạt của bãi đáp nổi.
"Năng lượng mà tên lửa phải tiêu tốn để bay trở lại địa điểm hạ cánh trong đất liền có thể làm giảm khoảng 40% khả năng mang trọng tải của tên lửa, trong khi con số này chỉ là 20% nếu hạ cánh trên biển", Pang giải thích.
Ngoài ra, việc thu hồi tên lửa trên biển cũng giúp giảm thiệt hại nếu nỗ lực hạ cánh thất bại. Mặc dù vậy, quá trình này gặp nhiều thách thức hơn do điều kiện biển động phức tạp.
SpaceX của Mỹ là công ty đầu tiên trên thế giới thu hồi thành công tên lửa trên biển, khi tầng đẩy thứ nhất của tên lửa Falcon 9 hạ cánh chính xác xuống sà lan không người lái Of Course I Still Love You trên Đại Tây Dương vào tháng 4/2016.
Khi được hỏi công nghệ của CAS khác biệt như thế nào so với SpaceX, Lian lưu ý rằng tên lửa của họ được chế tạo hoàn toàn dựa trên công nghệ trong nước, bao gồm cả phần mềm và phần cứng. Các hệ thống như quản lý lực đẩy và định vị cũng được phát triển riêng.
Đoàn Dương (Theo Global Times)