Một năm kể từ khi đại dịch H7N9 bùng phát ở châu Á với 766 trường hợp được phát hiện chủ yếu tại Trung Quốc, đến nay các trung tâm nghiên cứu thế giới vẫn chưa nhận được mẫu virus để nghiên cứu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đều không đưa ra bình luận về sự chậm trễ này.
Theo The NewYork Times, virus H7N9 bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2013. Nó lây lan nhanh qua các trang trại gia cầm sau đó phát triển thành một chủng virus lây nhiễm sang người. Đến nay khoảng 40% bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm đã tử vong.
Virus H7N9 lây từ người sang người, những loại vắcxin hiện có không thể ngăn ngừa hiệu quả. Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh cao cấp thuộc Bộ Y Tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ là Rick A. Bright nhận xét: "Đại dịch cúm lây lan nhanh hơn bất cứ dịch bệnh nào khác. Chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó lại, vì thế mỗi phút đều quý như vàng".
Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước thành viên phải chuyển mẫu cúm có nguy cơ trở thành đại dịch cho những trung tâm nghiên cứu để nghiên cứu cách phòng tránh. Khi virus H7N9 xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc, chính phủ nước này đã cung cấp thông tin kịp thời, sau đó bớt dần. Giờ đây, virus H7N9 lại có dấu hiệu bộc phát và đột biến, chính phủ Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân và tuyên bố sẽ ngăn chặn bệnh thông qua một chiến dịch tiêm phòng gia súc.
"Virus H7N9 có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại, vì thế việc không chịu chia sẻ mẫu virus với phòng nghiên cứu của các nước thành viên WHO là một việc làm sai trái. Rất nhiều người có thể chết nếu Trung Quốc tiếp tục giữ mẫu virus này", giáo sư Andrew C. Weber, giám sát viên các chương trình ngăn ngừa vũ khí sinh học tại Pentagon thời kỳ Tổng thống Obama cảnh báo.
Trước tình hình chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra, một số nhà khoa học lo ngại rằng việc trao đổi thông tin y tế có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến những đe dọa sinh học mới.
Trên thực tế, hơn một thập kỷ qua, dữ liệu dịch tễ học và các mẫu virus đã được sử dụng như những con cờ trong chiến tranh thương mại. Năm 2002, Trung Quốc ngăn chặn thành công đại dịch SARS sau 4 tháng nhưng giữ lại các kết quả nghiên cứu của mình chứ không chia sẻ cho các nước khác cũng bị đại dịch hoành hành. Năm 2005, nhà chức trách Trung Quốc chỉ chuyển giao một số mẫu virus H5N1 từ các loài chim hoang dã bị nhiễm bệnh nhằm che giấu phạm vi lây lan của virus này, nhờ đó bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm nước mình.
Đối với quốc gia lớn như Trung Quốc, việc giữ kín một loại virus mới mang đến những kết quả trái ngược. Theo Liên Hợp Quốc, đợt bùng phát H7N9 năm 2013 khiến chính phủ Trung Quốc tiêu tốn 6 tỷ USD, sau đó phát minh "những phương pháp chữa bệnh giá trị cao và độc nhất vô nhị".
"Trung Quốc đã khôn khéo chuyển mối đe dọa về các bệnh truyền nhiễm toàn cầu thành hàng hóa có giá trị cứu sinh vô giá”, giáo sư Michael Callahan tại Trường Y Đại học Harvard nhận định.
Ngọc Khuê