Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang trong giai đoạn chuyển dịch, từ dựa vào sản xuất và xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ. Vài năm gần đây, với tham vọng mở rộng ra toàn cầu, các công ty nước này đã tích cực gom tài sản ở nước ngoài.
Cơn sốt mua sắm này thể hiện qua việc các công ty Trung Quốc đã bơm 111,6 tỷ USD vào các thương vụ nước ngoài, chỉ trong năm nay. Con số này cả năm 2015 mới là 111,5 tỷ USD, theo Reuters.
Tuy nhiên, các quốc gia đang ngày càng thận trọng. Họ đã dùng cả lý do chính trị và kinh tế để kiềm chế làn sóng mua sắm từ Trung Quốc.
Thomas Byrne - cựu giám đốc rủi ro quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody’s cho biết mối lo ngại đến từ khả năng tham gia của Chính phủ Trung Quốc.
"Hầu hết thương vụ đầu tư của Trung Quốc xuất phát từ các công ty quốc doanh. Vì thế, chúng luôn làm dấy lên mối lo Chính phủ Trung Quốc sẽ tác động vào hoạt động của các công ty này tại nước ngoài. Kể cả các doanh nghiệp tư nhân cũng bị nghi ngờ, do cấu trúc sở hữu mập mờ và có thể liên quan gián tiếp đến Chính phủ", Byrne cho biết.
Tháng trước, Chính phủ Anh thông báo sẽ xem xét lại dự án hạt nhân đầy tranh cãi - Hinkley Point, do lo ngại sự tham gia của một trong các đối tác - Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc. Việc này càng khiến quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng và làm dấy lên đồn đoán "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung Quốc đã chấm dứt.
Dù vậy, tân Thủ tướng Anh - Theresa May gần đây cho biết muốn thắt chặt quan hệ ngoại giao và hợp tác với Trung Quốc. Bà cũng xác nhận kế hoạch ghé thăm nước này sớm. Động thái này cho thấy thế khó của Anh - phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích thương mại - khi hợp tác với gã khổng lồ Đông Á.
Anh không phải quốc gia duy nhất muốn chống lại tham vọng thâu tóm của Trung Quốc. Tuần trước, Australia cũng chặn thương vụ bán cổ phần trong hãng điện lớn nhất nước - Ausgrid cho Tập đoàn Điện lực Trung Quốc và Cheung Kong Infrastructure Holdings của Hong Kong (Trung Quốc) do lo ngại an ninh quốc gia.
"Có 3 lý do là các tranh chấp tại biển Đông, Trung Quốc độc đoán hơn nhiều so với tưởng tượng và phải làm việc với một doanh nghiệp nhà nước. Chúng sẽ hạn chế khả năng thương mại tự do của tất cả các bên", một thành viên cấp cao thuộc liên minh cầm quyền Australia cho biết trên Reuters.
Với nhiều thương vụ tỷ USD vẫn còn đang xếp hàng, giới quan sát cho biết những thương vụ dính đến các lĩnh vực chiến lược, như năng lượng, điện và cơ sở hạ tầng sẽ bị kiểm duyệt gắt gao.
Dù vậy, Trung Quốc dường như chưa tìm được cách xoa dịu những lo ngại này. Tờ Xinhua thậm chí gọi động thái của Anh và Australia là "bị Trung Quốc ám ảnh". "Nói rằng Trung Quốc muốn chiếm mạng lưới điện vì động cơ bí mật là quá nực cười. Vì cả thế giới đều biết uy tín là điều quan trọng với mọi doanh nghiệp. Nói rằng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mạo hiểm cả uy tín của mình bằng cách đe dọa mạng lưới điện của Anh và Australia lại càng buồn cười hơn", Xinhua cho biết.
Tuy nhiên, dù chính trị có thể cản bước nhiều thương vụ của Trung Quốc, lĩnh vực tư nhân lại không quá lo lắng. "Họ là doanh nhân mà. Họ sẽ vẫn tìm được cách để kiếm tiền thôi", Chong Ja Ian - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore kết luận.
Hà Thu (theo CNBC)