Trung Quốc đang dừng nhập khẩu thịt từ một nhà máy BRF ở Lajeado và một nhà máy thương hiệu Seara thuộc sở hữu của JBS ở Tres Passos, đều nằm ở bang phía nam Rio Grande do Sul, Brazil, theo bài đăng trên trang web của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) hôm 4/7.
Thông báo từ GACC chỉ nêu các nhà máy bị dừng xuất khẩu thịt tới Trung Quốc và không đưa ra lý do dẫn tới quyết định trên. Tuy nhiên, đây được cho là động thái xuất phát từ lo ngại lây nhiễm nCoV khi Brazil đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu thịt lợn, thịt bò và thịt gà lớn nhất của Brazil. Quốc gia này đã yêu cầu các nhà xuất khẩu thịt toàn cầu chứng nhận sản phẩm của mình không nhiễm nCoV, điều đã được BRF, JBS và nhiều nhà sản xuất thịt Brazil khác tuân thủ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện ngăn tổng cộng 6 nhà máy thịt Brazil xuất khẩu sang nước này trong bối cảnh gia tăng lo ngại về hàng nghìn ca nhiễm nCoV của các công nhân trong lò mổ Brazil.
BRF cho biết họ không nhận được lý do cho quyết định đình chỉ nhập thịt của Trung Quốc mà chỉ được thông báo qua trang web GACC. Công ty nói thêm rằng đã làm việc với chính quyền Brazil và Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu càng nhanh càng tốt.
JBS từ chối bình luận về động thái từ Trung Quốc, khẳng định đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo thực phẩm có chất lượng cao nhất cũng như bảo vệ sức khỏe cho các công nhân.
Bộ Nông nghiệp Brazil cho hay họ sẽ chỉ bình luận sau khi nhận được thông tin từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc, thị trường nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới, đã tăng cường kiểm tra mặt hàng thịt nhập khẩu kể từ khi ổ dịch mới bùng lên ở Bắc Kinh liên quan tới chợ thực phẩm Tân Phát Địa.
Bắc Kinh cũng tiến hành xét nghiệm thịt, hải sản và sản phẩm tươi sống. Một số cảng lớn ở Trung Quốc còn khui tất cả các thùng chứa thịt và hải sản để kiểm tra. Hải quan nước này cũng yêu cầu các nhà xuất khẩu thực phẩm ký cam kết sản phẩm của họ không nhiễm nCoV.
Trung Quốc tháng trước cho biết đã đình chỉ nhập khẩu gia cầm từ một nhà máy của Tyson Inc có trụ sở tại Mỹ, sau khi tạm ngừng các sản phẩm thịt lợn từ Toennies, Đức.
Nhiều quốc gia xuất khẩu thịt lớn, như Mỹ và Brazil, đã ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm nCoV trong số các công nhân làm việc tại những nhà máy thịt, gây lo ngại về sự lây lan của Covid-19. Nhà máy thịt Rheda-Wiedenbruck ở Đức tháng trước ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, khiến toàn bộ 6.500 công nhân phải cách ly.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 11,5 triệu người nhiễm và hơn 536.000 người tử vong. Brazil đang là vùng dịch thứ hai thế giới với hơn 1,6 triệu người nhiễm và gần 65.000 người chết. Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 83.500 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)