Khi tâm trạng bi quan, cô khóc. Trong những lúc tràn đầy hy vọng, cô viết thư khẩn cầu giúp đỡ gửi lên Tổng thống Vladimir Putin và văn phòng thị trưởng Moskva. Nhưng chưa bàn tay nào chìa ra với cô.
"Tôi cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn. Như thể bạn đang ở trên một chiếc thuyền chìm dần mà không ai đến cứu", Gorbunova chia sẻ sau khi chồng cô mất việc và gia đình cô bị đẩy khỏi căn hộ đang thuê. "Không ai quan tâm tới những người thiếu thốn như chúng tôi. Thay vì làm việc tốt để giúp đỡ, không ai bận tâm cả".
Trên toàn cầu, Covid-19 làm chao đảo hàng loạt nền kinh tế và thế giới đang đối mặt cuộc suy thoái tập thể trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng giai đoạn 1929 - 1946.
Nga trong khi đó phải chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đòn giáng kép từ Covid-19 và sự sụp đổ giá dầu. Thuế từ ngành dầu khí chiếm 40% ngân sách Nga.
Kể từ tháng ba, các tổ chức từ thiện và phi chính phủ Nga phải đón tiếp một lượng lớn những vị khách mà họ chưa từng gặp trước đây: Các gia đình chưa bao giờ rơi vào khủng hoảng tài chính nhưng nay tuyệt vọng. Một số gia đình thậm chí không đủ khả năng mua thực phẩm. Số khác không còn nhà để về.
Theo số liệu từ cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat, tính đến cuối tháng 5, khoảng 4,5 triệu người dân nước này đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Nền kinh tế được dự đoán sụt giảm 5,5% trong năm nay.
Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ phá sản giữa cuộc khủng hoảng kinh tế Nga. Đối mặt với đại dịch Covid-19, chính phủ được cho là đã phản ứng chậm và các biện pháp chắp vá muộn màng khiến hàng trăm nghìn người nhiễm virus.
"Bạn phải tự mình vượt lên thôi", thợ hàn Ivan Molchanov nói. Anh đã ngủ 20 đêm ngoài đường sau khi nhà máy anh làm việc ngừng hoạt động. Họ không thể trả lương cũng như chi phí lưu trú tại một nhà nghỉ giá rẻ địa phương cho anh.
"Tôi ngủ ở nhà vệ sinh công cộng", Molchanov cho hay. "Tôi ngủ trước cửa các chung cư. Tôi thường bám theo những người sống ở đó và nhìn trộm họ khi họ đánh mật khẩu rồi ghi nhớ".
Dom Druzei (Ngôi nhà Bạn bè), một tổ chức cứu trợ thường cung cấp hỗ trợ y tế cho người vô gia cư, đã thuê 6 nhà nghỉ ở Moskva từ ngày 22/4 và bắt đầu phân phát thực phẩm thiết yếu cho những người yếu thế.
"Số người cần giúp đỡ tăng gấp đôi, gấp ba chỉ sau một đêm", Dmitry Aleshkovsky, người sáng lập Nuzhna Pomosh, tổ chức chuyên quyên góp tiền hỗ trợ các tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ trên khắp nước Nga, cho biết. "Hàng triệu người mất việc chỉ sau vài giây".
"Tôi từng gặp một người có mức thu nhập 200.000 rouble (hơn 2.800 USD) một tháng. "Sau một giây, anh ta chẳng còn gì. Không thể trả tiền thuê nhà, vậy nên, anh ta biến thành người vô gia cư, cũng chỉ sau một giây".
Lana Zhurkina, nhà sáng lập Dom Druzei, đã vô cùng thương cảm trước trường hợp của một nhân viên thẩm mỹ viện trẻ tuổi ở Moskva và đứa con 18 tháng tuổi. Cô gái từng có mức thu nhập "trên mức trung bình". Cô đã mua một căn hộ bằng tiền vay ngân hàng. Căn hộ này đang được cải tạo nên cô sống tại một căn hộ khác. Covid-19 khiến thẩm mỹ viện của cô đóng cửa.
"Cô ấy đến tìm chúng tôi xin đồ ăn bởi cô không còn thực phẩm ở trong nhà", Zhurkina kể. "Chúng tôi mang cho cô ấy đồ ăn. Cô ấy bật khóc vì không thể hiểu vì sao mình lại rơi vào tình cảnh như hiện nay".
"Có rất nhiều câu chuyện như vậy", Olga Lim, nhà sáng lập một tổ chức hỗ trợ trẻ mồ côi và những gia đình gặp khủng hoảng ở Khabarovsk, miền Viễn Đông Nga, cho hay. "Một người mẹ trẻ với hai con nhỏ, cô ấy đang sống trong cảnh vô cùng tồi tệ khi tôi mang những hộp thực phẩm tới. Công việc duy nhất của cô ấy là đóng gói ngũ cốc, không gì khác".
Khi Nga nới lỏng các biện pháp giới hạn, phong tỏa, một số người dân đã trở lại làm việc. Nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phá sản trước đó và phải đóng cửa. Không ít người mất việc làm.
Alexander Gorbunov, 42 tuổi, chồng Yekaterina, từng làm việc nhiều năm với vị trí quản lý khách hàng cho một công ty xe tải. Công ty của Gorbunov hồi tháng ba phải đóng cửa. Giờ đây, anh thuê một chiếc ôtô và làm tài xế cho một công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe hơi. Hàng ngày, anh đi làm từ sáng sớm và về nhà lúc hai giờ sáng hôm sau.
Gia đình anh từng sống trong hai căn phòng nhỏ thuộc một căn hộ chung cư ở Moskva. Năm ngoái, họ chuyển tới một nơi rộng rãi hơn. Tháng ba vừa qua, họ may mắn trả được tiền thuê nhà.
"Mọi thứ rất khó khăn. Tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả cho tháng 4 và tháng 5", Gorbunova nói. "Chúng tôi từng hy vọng chủ nhà sẽ cho chúng tôi ở lại nhưng bà ấy bảo rằng 'Tôi không quan tâm đến vấn đề của các bạn. Nếu không thể trả tiền thuê nhà, tôi không muốn cho các bạn thuê nữa'".
"Chúng tôi không thể trả vì không có tiền. Tôi thực sự hoảng loạn. Tôi bối rối và mất phương hướng. Khi khủng hoảng xảy ra, chính quyền bang không giúp đỡ chúng tôi", Gorbunova nói thêm.
Hai người đã vay 300.000 rouble (gần 4.300 USD) từ hai ngân hàng để trang trải chi phí sinh hoạt. Quỹ Mercy của Giáo hội Chính thống giáo Nga đã trả tiền thuê nhà tháng 4 và 5 cho họ nhằm giúp những đứa trẻ có thể kết thúc năm học.
Cả gia đình hiện sống tại ngôi nhà nhỏ của mẹ chồng Gorbunova ở ngoại ô Moskva. Họ không biết phải làm gì để các con có thể đi học khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9 tới đây.
Tổng thống Putin hứa sẽ hỗ trợ các gia đình và trẻ em nhưng nhiều người đang cảm thấy bị bỏ rơi. Giữa khủng hoảng, các gia đình được nhận 10.000 rouble (142 USD) một tháng tiền trợ cấp đối với mỗi đứa trẻ nhỏ hơn 16 tuổi. Nhưng Gorbunova cho biết số tiền này không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong một tuần, chưa nói đến tiền thuê nhà.
"Mọi gia đình đông con đều thấy như vậy", Gorbunova nói. "Tổng thống Putin là người tốt bụng. Nhưng như chuyện rất thường xảy ra, tòa pháo đài đang bị hỏng từ bên trong. Có những con mọt chui bên trong pháo đài".
"Tình hình ngày càng tồi tệ", Nikolai Rubanovskii từ Nochlezhka, tổ chức chuyên phân phát thực phẩm cho người thiếu thốn và cung cấp hỗ trợ pháp lý cho người vô gia cư, nói. "Trong dự án St. Petersburg của chúng tôi, chúng tôi có một chiếc xe buýt phân phát thực phẩm. Trước dịch, khoảng 60 - 80 người xếp hàng nhận cứu trợ mỗi ngày. Nay, con số lên đến 140".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)