Bên trong một trang trại khổng lồ ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục con lợn trắng và đen ăn, ngủ mà không bị ảnh hưởng vì cái lạnh đầu đông. Chúng được thí nghiệm với một loại gene để chỉnh nhiệt, giúp chống lại thời tiết lạnh giá mùa đông của miền bắc Trung Quốc.
Đây chỉ là một trong hàng chục loại gene được nhà nghiên cứu Jianguo Zhao đưa vào DNA của lợn để thử nghiệm tạo ra loài "siêu lợn" tại Trung Quốc và nhiều phòng thí nghiệm ở các nước khác. Suốt nhiều năm nay, mục tiêu của những thí nghiệm này là giúp thịt lợn ngon hơn, sức đề kháng cao hơn và phát triển nhanh hơn. Còn hiện tại, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi bùng phát trên toàn cầu, nhu cầu quan trọng hơn là đảm bảo an ninh lương thực và giữ đàn lợn sống sót.
"Câu hỏi quan trọng nhất với các nhà khoa học lúc này là làm thế nào để lợn khỏe hơn", Zhao, người đứng đầu nhóm 20 nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên tại Viện Khoa học Trung Quốc cho biết. Zhao và các đồng nghiệp sử dụng Crispr để đưa gene UCP1 vào giúp lợn ít bị chịu ảnh ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá hơn. Đồng thời những con lợn biến đổi gene cũng có ít chất béo hơn 5%, giúp thịt của chúng tốt hơn.
Hồi tháng 9, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi sử dụng khoa học công nghệ nhiều hơn để thúc đẩy sản lượng khi mà nước này đang trong cơn khủng hoảng thịt lợn. Trung Quốc đang rất mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Chỉ riêng năm 2017, quốc gia đông dân nhất thế giới đã chi 445 tỷ USD cho các hoạt động này. Trên thế giới, đây là con số chỉ thua Mỹ. Đồng thời, quốc gia này cũng đẩy mạnh việc mua lại các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm nước ngoài, với giá trị giao dịch đạt khoảng 25,4 tỷ USD tính từ năm 2014. Tuy nhiên, so với Trung Quốc, phía Mỹ, châu Âu lại đang có biện pháp để bảo vệ lợn trước các đại dịch.
Để khắc phục điều này, Trung Quốc đã gửi các nhà khoa học có triển vọng sang nước ngoài như Zhao để học hỏi những thứ tốt nhất thế giới và mang về quê hương. Trang trại Zhao đang thí nghiệm gene lợn được bảo vệ an ninh 3 lớp và có thể chứa 4.000 con.
Tại Đại học Cát Lâm, năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công những con lợn được chỉnh sửa gene để chống các loại virus tả lợn cổ điển. Trong khi đó, Viện hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cũng đang thử nghiệm vaccine tả lợn châu Phi.
Cũng tại một trang trại nằm sau ở phía Nam Trung Quốc, có những con lợn to như một con gấu Bắc cực. Theo Pang Cong, chủ trang trại tại Nam Ninh, con vật nặng 500 kg là một phần trong đàn lợn "khổng lồ" đang được nhân giống. Khi xuất chuồng, một số có thể bán được hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.399 USD), cao hơn ba lần thu nhập trung bình tháng tại đây. Một số nông dân tại Cát Lâm cũng đang cố gắng nuôi cho lợn đạt trọng lượng từ 175 đến 200 kg.
Các nhà sản xuất thịt với quy mô lớn ở Trung Quốc, bao gồm Wens Foodstuffs Group, Cofco Meat Holdings hay Beijing Dabeinong Technology cho biết đang cố gắng tăng trọng lượng trung bình của lợn. Đây được coi là một trong những giải pháp tạm thời giải quyết tình trạng suy giảm 50% đàn lợn do dịch bệnh tại Trung Quốc.
Về biến đổi gene, tham vọng của Trung Quốc còn vượt ra ngoài cả phạm vi các trang trại vật nuôi. Trong hàng chục phòng thí nghiệm khắp quốc gia này, các nhà khoa học đang đua với Mỹ, châu Âu để phát triển các loại thực phẩm, cây trồng với chất lượng vượt trội. Đây như là một cuộc chạy đua giữa các cường quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa rõ hồi kết, dân số Trung Quốc già đi, nguồn cung thực phẩm cho 1,4 tỷ dân dần cạn kiệt.
Nhà khoa học Simon Lillico tại Roslin Institute thuộc Đại học Edinburgh – nơi đầu tiên nhân bản cừu Dolly từ một tế bào trưởng thành nhận định, hiện nay Trung Quốc rất mạnh trong nghiên cứu. Theo ông, Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho nghiên cứu khoa học – điều mà các quốc gia khác khó sánh bằng.
Thị trường thuốc sinh học và công nghệ sinh học nông nghiệp Trung Quốc hiện vẫn nhỏ so với quy mô khoảng 228 tỷ USD của ngành này tại Mỹ. Tuy nhiên, sự mạnh tay trong đầu tư đã khiến Washington lo lắng. Hồi tháng 7, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung đã cam kết điều tra các rủi ro tiềm ẩn trong sự phụ thuộc ngày càng tăng của Mỹ vào thuốc và công nghệ sinh học từ Trung Quốc.
Mark Kazmierczak, nhà khoa học tại hãng tư vấn Gryphon Scientific cho biết, phía Mỹ lo ngại về khả năng phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các dược phẩm quan trọng hoặc các công nghệ chăm sóc sức khỏe khác. Đồng thời, phần mềm của Trung Quốc cũng có thể truy cập thông tin cá nhân công dân Mỹ, trong đó có dữ liệu DNA, gây lo ngại về quyền riêng tư.
Theo Science, chỉ riêng với lợn, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện thành công 40 chỉnh sửa gene với Crispr. Zhao cũng là người đứng đầu nhóm nghiên cứu này.
Zhao cho biết, ông cùng các đồng nghiệp đang vận động chính phủ xem xét lại các chính sách với động vật được chỉnh sửa gene, bắt đầu bằng cách phân biệt các loài bình thường và được sửa gene không phải lợn. Ông vẫn tin, những con lợn được chỉnh sửa gene sẽ sớm được tiêu thụ.
"Hiện tại Chính phủ Trung Quốc khá cứng rắn, có thể mất vài năm để được chấp nhận", Zhao nói. Trung Quốc đang thiếu thịt lợn trầm trọng, giá lợn đã tăng phi mã trong năm qua.
Anh Tú (theo Bloomberg)