Cam kết của Trung Quốc sẽ được thể hiện trong Tuyên bố Tam Á, Bangkok Post dẫn lời Suphot Tovichakchaikul, phát ngôn viên Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Thái Lan, hôm nay cho biết. Tuyên bố này sẽ đề ra hướng dẫn hợp tác giữa 6 nước thành viên Hợp tác sông Lan Thương - Mekong, gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Ông cho biết Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận ban đầu về việc chia sẻ quản lý nước ở vùng Thượng nguồn sông Mekong và cam kết thắt chặt hợp tác nghiên cứu chung về lũ lụt, hạn hán, chất lượng nước và quản lý nước ở khu vực sông Mekong.
"Chúng ta sẽ có thể phản ứng trước những thay đổi về mực nước sông Mekong một cách hiệu quả hơn, vì sẽ không còn những dữ liệu 'không rõ' nữa. Chúng ta có thể vận hành mô hình chính xác, hiệu quả hơn và nó sẽ giúp hạn chế tác động đối với những người sống quanh khu hạ nguồn", ông Suphot nói.
Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác sông Lan Thương - Mekong (MLC) đầu tiên sẽ diễn ra tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, bắt đầu từ ngày mai và kéo dài đến 24/3. Theo thông báo của chính phủ Thái Lan, thủ tướng Prayuth Chan-o-cha được mời đồng chủ trì hội nghị cùng người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị này và hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
MLC được tổ chức trong bối cảnh các nước tiểu vùng sông Mekong đang hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc xây một loạt đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong khiến cho tình hình càng thêm trầm trọng.
Sông Mekong chảy qua 6 nước, gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương.
Trọng Giáp