Cảnh sát Trung Quốc đã đóng băng khối tài sản khoảng 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) của hơn 380 đơn vị cho vay trực tuyến (ngang hàng) trong một cuộc điều tra mở rộng về hoạt động cung cấp tài chính bất hợp pháp, theo Bloomberg.
Trong một tuyên bố ngày 17/2, Bộ Công an Trung Quốc cho biết đã bắt giữ 62 nghi phạm liên quan đến các vụ gian lận trong hoạt động cho vay ngang hàng, nằm trong chiến dịch có tên "săn cáo" trải rộng 16 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Thái Lan và Campuchia. Tuyên bố không cho biết chi tiết hơn, nhưng nói rằng cảnh sát Trung Quốc đang nỗ lực thu hồi số tiền bị mất.
Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.
Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc từ năm 2011 và dần rơi vào tình trạng không được kiểm soát. Khi đạt đỉnh năm 2015, Trung Quốc có khoảng 3.500 doanh nghiệp cho vay P2P.
Thời gian gần đây, các biện pháp giám sát đã được giới chức nước này đưa ra khi liên tiếp ghi nhận những vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất từ trước đến nay, các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn và không ít nhà đầu tư mất trắng tiền dành dụm cả đời.
Nhiều công ty cho vay ngang hàng thu hút nhà đầu tư bằng cách hứa hẹn lãi suất cao dưới vỏ bọc "sáng kiến tài chính", trong khi nhiều công ty khác nói dối bằng các dự án đầu tư và chiếm dụng tiền của người tham gia. Ít nhất 100 người trong các công ty cho vay ngang hàng đã mất liên lạc hoặc "biến mất" trước khi công ty phá sản, một số người khác chạy ra nước ngoài để trốn nợ.
Theo hãng nghiên cứu Yingcan Group, số lượng các tổ chức cho vay ngang hàng trực tuyến tại Trung Quốc có thể giảm 70% trong năm nay, chỉ còn 300 doanh nghiệp. Trong khi đó, Citi Group dự báo sẽ chỉ có khoảng 50 công ty có thể tồn tại sau cùng.
Minh Sơn (theo Bloomberg)