Mang tên "tàu Titanic không thể chìm", con tàu này có kích thước giống hệt bản gốc, dài 269,06 m và rộng 28,19 m. Nằm ở công viên chủ đề có tên gọi Romandisea, con tàu có cùng tiện nghi như tàu Titanic cũ, bao gồm phòng dạ hội, rạp hát, sàn ngắm cảnh và một bể bơi. Hành khách có thể nghỉ đêm trên con tàu đậu vĩnh viễn ở hồ chứa nước trên sông Kỳ Giang, cách thủ phủ Thành Đô khoảng 130 km và cách biển vài trăm kilomet. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa tiết lộ ngày ra mắt con tàu.
Dự án được tiết lộ lần đầu tiên năm 2016, khi các công nhân xây dựng mới bắt đầu đóng sống tàu. Theo AFP, cần 23.000 tấn thép cùng chi phí 153,5 triệu USD để đóng bản sao này.
Con tàu ở Trung Quốc không phải bản sao duy nhất của tàu Titanic. Năm 2018, công ty Blue Star Line ở Australia thông báo khởi công đóng tàu Titanic II sau thời gian dài trì hoãn. Theo công ty, đây sẽ là bản sao giống hệt con tàu chở khách nổi tiếng, gồm 835 cabin có sức chứa 2.435 hành khách. Hành trình đầu tiên theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022.
Tàu Titanic ra khơi lần đầu tiên từ Southampton, Anh, tới New York, Mỹ, vào ngày 10/4/1912. Tại thời điểm đó, đây là tàu chở khách lớn nhất trên mặt biển. Vào nửa đêm ngày 14/4, tàu đâm vào núi băng trôi và chìm trong chưa đầy 3 giờ. Theo báo cáo của Mỹ về thảm họa Titatic, 1.517 người thiệt mạng và 706 người sống sót trong tổng số 2.223 hành khách và thủy thủ đoàn.
Năm 1985, các nhà khoa học đứng đầu là Robert Ballard (người Mỹ) và Jean Jarry (người Pháp) tìm thấy xác tàu cách vùng ven biển Newfoundland, Canada, khoảng 563 km về phía đông nam. Một năm sau, Ballard và đồng nghiệp sử dụng tàu ngầm nghiên cứu có người lái dưới biển sâu để khám phá xác tàu lần đầu tiên.
An Khang (Theo CNN)