Là một trong những nước cuối cùng áp dụng chiến lược "Không Covid", Trung Quốc đặt mục tiêu ngăn chặn mọi ca mắc bằng cách cách ly người nghi nhiễm và cho tất cả F0 nhập viện.
Chiến lược này gây căng thẳng cho hệ thống y tế vốn gặp đầy thách thức, khi biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao tấn công đất nước.
Tiêm chủng cho người cao tuổi
Bắc Kinh cho biết hơn 1,2 tỷ người Trung Quốc, tương đương gần 90% dân số, đã được tiêm hai liều vaccine Covid-19 vào giữa tháng 3. Nước này cũng triển khai chương trình tiêm tăng cường, nhưng 50% công dân vẫn chưa tiêm mũi thứ ba.
Thách thức lớn là bảo vệ người cao tuổi. Hiện chỉ một nửa người trên 80 tuổi tại Trung Quốc được tiêm hai liều vaccine, chưa đến 20% tiêm nhắc lại.
Giới chức đã nỗ lực khuyến khích người cao tuổi tiêm chủng sau khi các bệnh viện quá tải vì ca nhiễm nặng, hầu hết là bệnh nhân chưa nhận vaccine.
Trung Quốc đang sử dụng các loại vaccine nội địa, tỷ lệ hiệu quả có phần thấp hơn so với vaccine nước ngoài. Gần đây, một số hãng dược nước này đã thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA, công nghệ tương tự Pfizer và Moderna.
Bệnh viện quá tải, thiếu nhân lực
Hệ thống y tế Trung Quốc thiếu nhân lực trầm trọng, đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng dân số già ngay cả trước đại dịch. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, nước này chỉ có 2,9 bác sĩ đa khoa trên mỗi 10.000 dân. Tại Anh, con số là 2,9 bác sĩ trên 1.000 dân.
Tại tỉnh Cát Lâm, nơi ghi nhận dịch Covid-19 trong thời gian gần đây, các nhà chức trách cho biết tỷ lệ giường bệnh là 22.880 giường trên 24 triệu người.
Các nhà nghiên cứu Đại học Bắc Kinh cảnh báo Trung Quốc có thể hứng chịu đợt bùng phát nghiêm trọng, nhanh chóng áp đảo hệ thống y tế nếu chính quyền nới lỏng hạn chế giống như châu Âu và Mỹ. Theo các chuyên gia, động thái này có thể dẫn đến hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Cách biệt giữa thành thị và nông thôn
Dù tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn đã giảm đáng kể, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế tại các khu vực này vẫn cách biệt với thành phố.
Phần lớn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn tập trung ở các đô thị rộng lớn, nơi sinh sống của những người giàu có. Tại đây có hàng loạt bệnh viện, phòng khám quốc tế.
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia năm ngoái, vùng nông thôn Trung Quốc chỉ có hơn 1,6 nhân viên y tế và 1,5 giường bệnh trên 1.000 dân. Khu vực này chỉ có tổng cộng 1,4 triệu giường bệnh, dù là nơi sinh sống của 40% dân số.
Người Trung Quốc ở nông thôn di cư đến các thành phố làm việc cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở thành phố do tình trạng hạn chế, phân vùng dịch bệnh.
Cố gắng duy trì chiến lược "Không Covid"
Dù là thành phố phát triển nhất Trung Quốc, Thượng Hải đã rơi vào khủng hoảng khi các nhà chức trách nỗ lực đưa tất cả F0 vào cách ly ở bệnh viện. Chính quyền cho biết đang lắp đặt thêm 130.000 giường tại các bệnh viện dã chiến. Trong đó, 40.000 giường ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia nổi tiếng. Song số giường mới dường như không đủ vì số người có triệu chứng nhẹ, không triệu chứng quá đông.
Trong khi đó, công dân Thượng Hải đang bị phong tỏa phàn nàn về việc họ không thể mua được thực phẩm và thuốc men ngoài Covid-19.
Theo Yanzhong Huang, ủy viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, những biện pháp "Không Covid hà khắc và nặng tay" đã áp đảo hệ thống y tế.
2.000 quân nhân và 38.000 nhân viên y tế khắp cả nước được điều động đến Thượng Hải làm nhiệm vụ chống dịch. Ít nhất hai bệnh nhân hen suyễn đã tử vong sau khi bị từ chối nhập viện vì tình trạng quá tải.
Do hệ thống y tế gặp nhiều áp lực, nhiều ca tiếp xúc gần được cho phép cách ly tại nhà. Giới chức lần đầu triển khai phân phối bộ xét nghiệm nhanh.
Wu Jinglei, giám đốc Ủy ban y tế Thượng Hải, tuần này cho biết thành phố đã tăng gấp đôi số xe cấp cứu để phục vụ người bệnh, song vẫn không đủ để theo kịp tình hình hiện tại.
Thục Linh (Theo AFP)