Trong cuộc họp báo hôm nay, bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác những lời chỉ trích của Mỹ và đòi Mỹ ngừng các phát biểu mà Bắc Kinh cho là "kích động" và "sai trái".
Lời lẽ của bà Hoa được đưa ra sau khi đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ trong hai ngày qua liên tiếp khẳng định rằng hành động di dời giàn khoan của Trung Quốc trên Biển Đông là khiêu khích và không có lợi ích gì cho hòa bình ổn định khu vực. Mỹ cũng hối thúc các bên tìm giải pháp hòa bình để giảm căng thẳng, không để tình hình phát triển thành xung đột.
Các nghị sĩ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, đã lên tiếng một cách mạnh mẽ, xác nhận rằng Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là việc làm trái luật pháp quốc tế. Các nghị sĩ cũng đề nghị chính phủ Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trước các hành động đe dọa và phi pháp của Bắc Kinh.
Đại diện ngoại giao của Liên minh châu Âu và Nhật Bản cũng đã bày tỏ quan ngại hoặc chỉ trích mạnh mẽ hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc ở Biển Đông.
Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông sau hành động hạ đặt giàn khoan phi pháp của Trung Quốc. Từ ngày 2/5, Trung Quốc triển khai hàng chục tàu bảo vệ giàn khoan HD-981, dùng vòi rồng để uy hiếp, dùng tàu thuyền đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến tổng cộng 9 người bị thương. Cho đến hôm nay, tình hình vẫn tiếp tục quyết liệt do tàu Trung Quốc cố tình va chạm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hà Nội cũng đang yêu cầu Bắc Kinh rút ngay giàn khoan HD-981 cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, và bồi thường cho những thiệt hại gây ra cho người và phương tiện.
Các diễn biến mới đây trên Biển Đông sẽ được các nước liên quan đưa ra bàn thảo tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ ngày mai tại Myanmar. Đại diện các quan chức cấp cao của Việt Nam, Philippines đều cho rằng những hành động của Trung Quốc gần đây trên biển cần được nêu ra để tìm phương hướng giải quyết. ASEAN có ký với Trung Quốc bản thỏa thuận về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002. Tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc, và hai bên đang thảo luận xây dựng bộ quy tắc chặt chẽ hơn (COC)
Trên Biển Đông, Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển giàu tài nguyên này, kể cả những vùng nước nằm sát bờ biển của các nước láng giềng.
Trọng Giáp