Theo Ibtimes, công ty KuangChi Science tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD) để phát triển công viên "Thung lũng tương lai" với mục tiêu cho người dân trải nghiệm cảm giác của phi hành gia ngoài không gian.
Một khinh khí cầu sẽ kéo "tàu vũ trụ" chở người lên cao 21 km so với mặt đất, phía trên bầu khí quyển, để mô phỏng chuyến bay vào không gian thực, đáp ứng ước mơ vào không gian của con người.
Hiện công ty đã thiết kế xong con tàu. Họ tiết lộ rằng nó sẽ tương tự như cabin kín đặc trưng của Thần Châu 5, tên lửa đưa các phi hành gia Trung Quốc lên vũ trụ lần đầu tiên vào tháng 10/2003.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là phát triển khoa học và công nghệ để tạo ra một hệ sinh thái tương lai", chủ tịch KuangChi Science, Liu Ruopeng cho biết. "Hồ Qingshan, nơi sẽ xây dựng thung lũng, có mặt nước lớn và không gian rộng rãi để vận hành máy".
Tàu chở khách sẽ có cửa sổ bằng kính để ngắm cảnh, một hệ thống điều áp và điều hòa không khí sẽ làm cho hành khách có cảm giác như đang ở trong một chiếc xe limousine. Bồn chứ khí heli phụ sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Để giảm tốc trong quá trình rơi trở lại Trái Đất, con tàu sẽ được trang bị dù, cũng như một hệ thống túi đệm khí để hãm chuyển động của phương tiện khi tiếp đất.
Bên trong tàu, KuangChi trang bị một hệ thống máy tính tốc độ cao cùng với rất nhiều cảm biến để đảm bảo an toàn cho hành khách và giúp phi hành đoàn điều khiển con tàu.
Ở dưới mặt đất cũng có các phòng trải nghiệm công nghệ tương lai như đồ nội thất với trí tuệ nhân tạo có thể tự di chuyển, thậm chí tự cấu hình để hình thành mẫu mới.
Tuy nhiên, để đảm bảo tuyệt đối an toàn, KuangChi cần đảm bảo con tàu đủ độ bền để thực hiện nhiều chuyến bay, điều mà hầu hết các thiết kế hiện nay chưa tính đến, ngoại từ tàu Orion do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và công ty Lockheed Martin thiết kế, có thể sử dụng cho 10 lần bay. Nếu không, chi phí cho tàu dùng một lần sẽ rất tốn kém.
KuangChi dự kiến thời gian cho chuyến bay đầu tiên là cuối năm 2017, và sẽ mời khoảng 3.000 nhà khoa học từ hơn 40 quốc gia tới nghiên cứu tại khu công viên này khi mở cửa.
Xem thêm: Bãi phóng vệ tinh ven biển đầu tiên của Trung Quốc
Nguyễn Thành Minh