Cuộc điều tra sẽ do Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), thuộc Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) thực hiện, Xinhua cho hay. Quyết định trên được đưa ra phù hợp với Điều lệ CPC và quy định điều tra của CCDI. Cụm từ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" thường được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ hành vi tham nhũng.
Ông Chu từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong những năm 1990 và giữ chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên năm 1999 - 2002, sau đó làm bộ trưởng Công an trước khi được bầu vào Bộ Chính trị. Ông về hưu trong một cuộc chuyển giao quyền lực năm 2012.
Khi còn đương nhiệm, ông Chu có mối quan hệ rộng rãi trong ngành dầu khí và công an. Cả hai lĩnh vực này đều đang là mục tiêu điều tra của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cựu ủy viên Bộ Chính trị không xuất hiện trước công chúng nhiều tháng qua kể từ khi nghỉ hưu khỏi ủy ban thường trực Bộ Chính trị cuối năm 2012. Các nguồn tin khi đó cho rằng ông đang bị chính quyền điều tra tội danh tham nhũng và bị quản thúc tại gia.
Thông tin đầu tiên về việc Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang được tờ New York Times đăng tải hồi tháng 12/2013. Với sự xác nhận của Trung Quốc, đây là lần đầu tiên một nhân vật cấp cao của nước này trở thành mục tiêu điều tra chính thức trong nhiều thập kỷ qua. Động thái này có thể gây chấn động đối với nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Phong trào chống tham nhũng của Trung Quốc đang được đẩy mạnh trong năm 2014. Trong một cuộc họp của Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra hồi đầu tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng cuộc chiến chống tham nhũng của nước này rất khốc liệt và phức tạp, nhưng nó sẽ được giải quyết nhanh bằng "liều thuốc mạnh".
Những quan to ngã ngựa ở Trung Quốc
Như Tâm